Nhạc sĩ Văn Cao và chuyện kể bên giường bệnh

Chuyện xảy ra đã lâu, song tôi vẫn nhớ như một kỷ niệm khó quên. Tôi bị áp-xe, cánh tay sưng, người bị sốt, phải vào nằm Bệnh viện Việt - Xô. Tôi nằm ở khu B, không ngờ lại trùng với căn phòng của nhạc sĩ Văn Cao. Hồi ấy lẽ ra ông có thể ở khu A, đúng với tài năng và vị trí của ông, nhưng không hiểu sao ông vẫn nằm ở khu B. Giường ông gần cửa ra vào, còn tôi nằm ở một góc sâu cuối phòng. Bác sĩ khám và bảo tôi phải tiêm kháng sinh loại nặng, nếu không thì phải mổ. Tôi nằm im thiêm thiếp ngủ, khi tỉnh dậy cánh tay lại đau nhức.

Tôi để ý thấy nhạc sĩ Văn Cao thỉnh thoảng lại ngồi dậy tiếp khách. Người vào thăm ông đông. Ông nói chuyện vui vẻ. Tôi không hiểu ông bị bệnh gì. Bác sĩ trực phòng thỉnh thoảng vẫn ngồi nói chuyện với ông vui vẻ và ca ngợi tài năng của ông. Dưới chân giường của bệnh nhân Văn Cao là một dãy dài các chai rượu uống đã hết. Bác sĩ nhìn các chai rượu và bảo: "Xin cụ bớt uống rượu cho thì bệnh mới mau lành, mới mau khỏi". Nhạc sĩ Văn Cao cười, nói: "Tôi không có rượu có thể bệnh lại tăng thêm. Tôi quen với nó rồi, xin bác sĩ thông cảm".

Vào một buổi gần trưa, tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe một tiếng gọi: "Ông Đức cũng nằm đây à?". Tôi mở mắt thì thấy anh Văn Tâm, bạn học cùng lớp. Anh Văn Tâm vào thăm nhạc sĩ Văn Cao và trông thấy tôi. Anh hỏi: "Ông bị bệnh gì?". Tôi nói: "Tôi bị sốt, bị áp-xe tay". Nhạc sĩ Văn Cao hỏi vọng: "Đứa nào đấy?". Văn Tâm trả lời: "Ông Hà Minh Đức". Ông Văn Cao nói tiếp: "Phục binh à? Sao không xưng danh?". Tôi nói: "Có danh gì mà xưng đâu bác".

Buổi đầu tiếp xúc là như thế, nhưng sau một vài ngày ở cùng phòng, tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị của nhạc sĩ. Mỗi ngày bà Văn Cao vào thăm và chăm sóc chồng một, hai lần. Tuy đã đứng tuổi, bà vẫn giữ được vẻ đẹp của thời con gái, dáng vẻ sang trọng của cô gái Hà Nội. Bà chăm sóc ông tỉ mỉ, thay áo cho ông. Thân hình ông gầy gò, bộ ngực lép nhưng đôi mắt vẫn sắc sảo, khuôn mặt mang những nét tiềm ẩn của một tài năng. Bà chăm cho ông ăn, dặn dò kỹ lưỡng, lúc ra về lại nói: "Anh bớt uống rượu, chiều em lại vào".

Câu chuyện đầu tiên ông kể về bà là chuyện bà tham gia Tuần lễ Vàng: "Dạo ấy, Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi là vệ quốc quân, đầu đội mũ calô, quân phục giản dị mà gọn gàng, còn cô ấy là con một nhà tư sản giàu có ở Hà Nội. Chúng tôi yêu nhau, cũng không biết cô ấy yêu tôi vì lẽ gì. Tôi không phải là người đẹp trai nhưng có chút tài hoa, và sâu xa hơn là hai người hòa hợp về tính tình.

Vào một buổi sáng chủ nhật, Hà Nội tổ chức Tuần lễ Vàng, tôi rủ cô đi dự Tuần lễ Vàng và nhắc khẽ: Chúng mình tham dự và cũng có đóng góp nhỏ cho đất nước. Chúng tôi đi đến Nhà hát Lớn và đến gần nơi tổ chức buổi lễ. Bàn thờ Tổ quốc trang trọng, thềm bước lên chỗ để hòm quyên tặng trải thảm đỏ. Đứng lặng yên một lúc, tôi bảo: Mời em lên đi. Cô bước từng bước nhẹ nhàng và khi gần đến nơi thì quay xuống nhìn tôi như biết có người theo dõi. Cô khẽ nâng hai cánh tay lên và kéo nhẹ những vòng xuyến vàng đeo ở hai tay rồi bỏ vào hòm quyên góp. Ngừng một lát cô lại tiếp tục đưa tay lên cổ mở nhẹ và lấy chiếc dây chuyền bỏ vào hòm công đức rồi lẳng lặng đi xuống.

Tôi nắm tay cô, nói khẽ: Cảm ơn em. Rồi  chúng tôi ra về. Trải qua nhiều năm tháng chung sống, gia đình êm ấm, tình yêu càng đằm thắm. Tôi nghĩ không có gì hạnh phúc bằng một gia đình với tình yêu đằm thắm của vợ chồng. Phải chăng đó cũng là một nguồn tạo cho tôi nhiều cảm xúc và cảm hứng trong sáng tạo. Gia đình cũng là nơi bảo vệ, chống đỡ với những ảnh hưởng xấu ở bên ngoài… Đời tôi bên cạnh những vận may cũng có nhiều chuyện không hay vướng vào mình khiến phải bận tâm và nhiều khi bực bội. 

Bước vào những năm xây dựng CNXH, rồi những năm Đổi mới, có ý kiến cho rằng: Bản Quốc ca do tôi sáng tác có nhiều điểm trùng lặp với bài Quốc tế ca và Quốc ca của Pháp. Cần phải có một bản Quốc ca mới cho hợp với giai đoạn mới của đất nước XHCN. Dạo ấy có hẳn một phong trào thi nhau làm Quốc ca mới. Tôi cũng mong ước nếu có được một Quốc ca mới thì đó là niềm vui của cả mọi người. Nhưng nếu nêu lý do Quốc ca cũ ảnh hưởng Quốc tế ca và Quốc ca Pháp thì tôi hoàn toàn bác bỏ.

Thực ra các bài nhạc loại hành khúc thường giông giống nhau về điệp khúc vì điệu nhạc. Tôi làm Quốc ca là dựa trên sức mạnh của đất nước, của dân tộc, đoàn quân Việt dù khó khăn vẫn vượt qua trong khúc Khải hoàn ca. Có thể một vài chữ hơi mạnh mẽ quá, gắn với không khí quyết liệt của thời điểm lịch sử, còn nhìn chung, về nhạc đó là một ca khúc thanh bình, một ca khúc chiến thắng".

Nghe lời ông nói, tôi nghĩ đến thời điểm rộn ràng không khí thay đổi Quốc ca. Nhiều bài Quốc ca mới được đăng báo, được trình diễn nhưng không được dư luận chấp nhận. Ở Trường Đại học Tổng hợp cũng có Giáo sư Đỗ Văn Khang say mê sáng tác Quốc ca và luyện tập cho con cái, nhưng bài hát cũng không được chấp nhận. Ông nói với tôi: "Tôi đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn xem hộ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn bảo nhạc yếu còn lời hay. Tôi ví Việt Nam như một con tàu trên Thái Bình Dương, một hành lang đón gió nhìn ra biển chào đón gió bốn phương".

Tôi hoan nghênh nhiệt tình của Giáo sư. Ở Việt Nam, bất cứ hiện tượng gì hấp dẫn dễ thành phong trào. Làm Quốc ca là khó, hết sức khó, phải có tài, có thời điểm được quần chúng ủng hộ. Giáo sư làm Quốc ca cũng là hưởng ứng phong trào. Quốc ca là linh hồn của một dân tộc, thường gắn với một thời điểm lịch sử có ý nghĩa.

Mỗi dân tộc đều có một Quốc ca và có thể có nhiều Quốc ca qua những chặng đường dài của lịch sử. Trên thế giới có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu Quốc kỳ, Quốc ca. Có những Quốc ca nổi tiếng như Quốc ca Xôviết, Quốc ca Pháp, Quốc ca Trung Quốc. Điều quan trọng là nhân dân yêu mến và Quốc ca đã thấm sâu vào đời sống của dân tộc. "Tiến quân ca" của Văn Cao gắn với Cách mạng Tháng Tám, với nền độc lập của dân tộc sau hàng trăm năm nô lệ. Âm thanh lời hát đã trở nên hết sức quen thuộc. Cuối cùng thì mọi nẻo đường đi lại trở về chỗ cũ, bản của nhạc sĩ Văn Cao mang tính lịch sử và đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn mọi người. Văn Cao - nhạc sĩ tài hoa lại vui mừng trước sự khẳng định giá trị của sáng tác để đời của mình.

Nhạc sĩ Văn Cao nói tiếp: "Tôi là tác giả Quốc ca, bao nhiêu năm tôi phải giữ gìn, dù sao tên tuổi mình cũng đã gắn với một cái gì của đất nước, tuy nhỏ bé nhưng thiêng liêng. Ông cũng biết đấy, dân nhạc tài hoa thường anh nào trong đời chẳng có ba bốn cô xinh đẹp vây quanh. Còn tôi, tôi phải giữ gìn, giữ gìn vì tên tuổi mình phải trong sạch, hai nữa với gia đình, phải xứng đáng với người vợ của mình".

Từ đấy tôi không có lý do, không có điều kiện để được gặp lại ông nhưng trên truyền hình và báo chí, tên tuổi và tài năng của ông ngày càng được đề cao, tôn vinh. Văn Cao là một trong những người mở đầu cho nhạc cách mạng. Ông có nhiều bài hát lãng mạn, mang mơ ước của một thời. Những mơ ước lành mạnh đó bắt gặp cách mạng trở thành những nhạc khúc vừa có sức mạnh, niềm tin, vừa bay bổng, tạo nên nhiều giá trị to lớn. Bên cạnh những bài hát mang không khí hùng tráng của một thời, nhạc của Văn Cao cũng rất đằm thắm với tuổi trẻ, với mùa xuân như "Mùa xuân đầu tiên".

Văn Cao cũng là nhà thơ tài hoa với nhiều bài thơ độc đáo mang phong cách riêng. Ông cũng là một họa sĩ với những bức tranh gây ấn tượng. Tôi có duyên may được ông trình bày cho bìa sách cuốn "Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc" do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1961. Bìa giản dị, đẹp, chữ sang trọng.

Anh Văn Tâm có lần khoe với tôi chân dung được Văn Cao vẽ tặng. Tôi nói với anh: "Các bậc tài hoa này nếu bớt đi tửu lượng thì có thể tài năng phát triển nhiều hơn chăng?". Anh lắc đầu: "Ông không hiểu rồi, những bài thơ hay nhất của Hoàng Trung Thông là viết trong lúc say. Đời say cho thơ thêm hay. Rượu tạo nên một sự lung linh đưa người nghệ sĩ ra khỏi cuộc đời thường và đến với những nẻo đường mơ hồ, lãng mạn với những phút thăng hoa". Tôi không nói gì thêm và nghĩ đến Văn Cao với chút kỷ niệm nhỏ về ông

Hà Minh Đức (cand.com)