Nhầm lẫn tình cờ

 “Thông qua” là từ thông dụng, nhưng cũng là từ nghề nghiệp, nó có hàm ý là bỏ qua, không đậu lại.
Bản thảo được đưa đánh máy. Bản in thứ hai được qua tay người soát theo quy trình đã định. Người soát này vốn kỹ tính, cho rằng trong hai từ “thông qua” là thừa chữ “thông”. Liền đề nghị với biên tập viên và biên tập viên hỏi lại tác giả, rồi sau khi được tác giả đồng ý, liền bớt từ “thông” nọ.

Do vậy, người soát chữ liền khoanh tròn chữ “thông” kéo một gạch ra bên lề, viết một chữ “bỏ” ngụ ý rằng: chữ này xóa đi, bỏ đi.

Không ngờ, người làm vi tính lại hiểu lầm. Lại tưởng rằng lấy chữ “bỏ” thay vào chữ “thông”. Thành ra khi in, truyện ngắn nhan đề Tàu thông qua ga nhỏ trở thành truyện có tên Tàu bỏ qua ga nhỏ.
- Nhầm lẫn thế này cũng có thể chấp nhận được! Có khi lại rõ nghĩa hơn cơ đấy.

Cứ tưởng nhà văn bực mình vì sự sai sót này, không ngờ ông lại chấp nhận vui vẻ. Tuy nhiên, ông cũng không quên kể lại vài trường hợp người soát bản in thử và làm vi tính lầm lẫn gây sai lạc… nguy hiểm. Ví dụ: Câu “Em buồn như một chiều quan tái” của nhà văn Hoàng Quốc Hải qua người làm máy tính và người soát bài thành: “Em buồn như một chiếc quan tài”. Có trường hợp, chỉ sai một dấu giọng mà câu thơ đã lạc hẳn cả ý nghĩa, trở thành buồn cười như câu thơ của nhà thơ Xuân Miễn sau đây.

Nguyên văn câu thơ là: “Có lúc tương tư một tán đường” (tán = một đơn vị nhỏ chỉ bằng 1/8, 1/10 bao diêm) nhưng khi in lại trở thành: “Có lúc tương tư một tấn đường”. Có lẽ người soát bản in thử cho rằng nỗi nhớ thế mới có trọng lượng!

(Theo vanhocnghethuatphutho.org.vn)