Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội - nơi tỏa sáng văn hóa Việt tại Thụy Điển

Qua những dịp đi triển lãm hội hoạ cùng bạn bè tại nhiều nước như: Thuỵ Sĩ, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thuỵ Điển..., khi trở về Công Quốc Hà ấp ủ ước mơ ngày nào đó sẽ mở một gallery để giới thiệu về nghệ thuật Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt tại Bắc Âu. Để thực hiện ước mơ đó, trong nhiều năm, hoạ sĩ Công Quốc Hà đã dành nhiều tâm huyết, thời gian và kinh phí cho việc sưu tầm tác phẩm và hiện vật. Và cuối cùng ngôi nhà của ông trở thành nơi trưng bày và tổ chức triển lãm nghệ thuật với tên gọi là “Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội” (HANOI ART HOUSE).

Ngôi biệt thự 2 tầng gồm nhiều phòng và dãy nhà 1 tầng 4 phòng với tổng diện tích sàn trưng bày gần 1000m2 được họa sĩ tổ chức thành 4 khu trưng bày chính.

Khu mỹ thuật dân gian Việt Nam được giới thiệu tổng quát qua bộ sưu tập tranh khắc gỗ dân gian của các làng tranh Đông Hồ (Hà Bắc), Sình (Huế), Kim Hoàng và Hàng Trống (Hà Nội). Mỗi làng tranh đều có phong cách nghệ thuật và kỹ thuật thể hiện độc đáo khác nhau. Tranh Đông Hồ với các nét đen to đậm bao quanh những mảng màu rực rỡ nguyên sắc, tạo hình khoẻ khoắn, miêu tả cảnh sinh hoạt thôn quê, hội hè dân dã, tạo nhiều cảm xúc. Những tác phẩm tranh Hàng Trống do xuất xứ từ thị thành, phục vụ cho giới trung lưu thành phố trang trí nội thất nên màu sắc uyển chuyển, tao nhã, cách tạo hình mềm mại, kết hợp in nét đen bằng mộc bản và phần màu vẽ tay, phần lớn tranh có trục gỗ hai đầu để treo, đề tài trữ tình, như bộ Tố nữ... Tranh làng Sình xuất phát từ nhu cầu phục vụ mục đích tâm linh thờ cúng (hoá vàng) nên tạo hình mộc mạc đơn giản, những nét được in đen và 3 màu chủ đạo rất nhẹ là hồng, xanh lá non và vàng, ở tranh 12 con giáp tạo hình gần với tranh hang động thời tiền sử, toàn bộ tạo cảm giác siêu thoát.

Một số mộc bản làng tranh Đông Hồ và ảnh minh hoạ các công đoạn làm tranh của nghệ nhân cũng được trưng bày tại đây. Đặc biệt bộ tranh thờ và mặt nạ gỗ của người Dao đỏ từ thập niên 50 của thế kỷ 19 là một trong những di sản quí trong kho tàng nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Những hiện vật gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Móng Cái được chọn lọc trưng bày rất điển hình về màu men và hoạ tiết trang trí của từng dòng gốm. Qua một số sản phẩm mỹ nghệ sơn mài, sơn thếp, chạm bạc chạm đá, mây tre và thêu, người xem có thể thấy được bàn tay tài hoa của nghệ nghân Việt Nam xưa và nay

Tại Khu mỹ thuật đương đại, gần 200 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của nhiều thế hệ tác giả với sự phong phú về chất liệu thể hiện và phong cách nghệ thuật được họa sĩ Công Quốc Hà sắp đặt, trưng bày rất khoa học, bao gồm các tác phẩm đồ hoạ khắc gỗ, kẽm, cao su, litography của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Trần Nguyên Đán, Phạm Nguyệt Nga, Đặng Thị Khuê, Lê Huy Tiếp, Công Quốc Hà, Trần Nguyên Hiếu, Nguyễn Tùng Ngọc, Nguyễn Đức Hoà, Đặng Bích Ngân, Vương Trọng Đức, Đinh Quân, Phạm An Hải và Nguyễn Vũ Quyên.

Ở mảng điêu khắc, các tác phẩm chân dung bằng chất liệu đất nung và gốm của họa sĩ- nhà điêu khắc Đinh Quang Điền tuy kích thước  không lớn nhưng rất đẹp và ấn tượng. Tác phẩm điêu khắc ngoài trời cỡ lớn (cao 5m) của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Chương với cách diễn khối mạch lạc khoẻ, mang tính ước lệ cao. Tượng của anh đã làm chủ được không gian rộng và hoành tráng.

Và có cả những  tác phẩm hội hoạ với chất liệu sơn mài của các hoạ sĩ Nguyễn Khang, Công Quốc Hà, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa và Phạm Thanh Nga được giới chuyên môn và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và đánh giá cao.

Đến với Khu nghệ thuật Quốc tế, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của nhiều nghệ sĩ danh tiếng thế giới như: Pablo Picasso, Joan Miro, Salvado Dali, Marc Chagall, Hans Normann Dahl, Paul Rene Gauguin, Corneille, Mogen Andessen, Oil Dwall. Cùng với tác phẩm hội hoạ và điêu khắc là các hiên vật gốm, sứ, pha lê, bạc và đồng của châu Âu, châu Á và Bắc Âu từ thế kỷ 18 rất đẹp và tinh xảo. Điểm vào đó là các mặt nạ Úc châu, Phi châu làm cho gian trưng bày nghệ thuật quốc tế thêm hấp dẫn. Và thật thú vị khi được chiêm ngưỡng hàng trăm chú ngựa bằng đủ mọi chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, thuỷ tinh, bạc, đồng, đất nung, tre và vải… được đưa từ nhiều quốc gia tới đây tụ hợp.

Và cuối cùng là Phòng Triển làm thường xuyên Xưởng in đồ họa. Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội dành 3 phòng cho việc tổ chức trưng bày triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân hoặc tổ chức đăng ký triển lãm vào các tháng mùa Hè (từ tháng 7 đến tháng 10). Và còn có xưởng in tranh đồ hoạ cỡ nhỏ, phục vụ nhu cầu sáng tác tại chỗ cho các nghệ sĩ với kinh phí tự túc mỗi trại sáng tác thời gian không quá 7 ngày. Đây là hoạt động nhằm giao lưu văn hoá giữa các nghệ sĩ với Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội.

Với tình yêu quê hương Việt Nam tha thiết, họa sĩ Công Quốc Hà đã biến dinh thự của mình thành ngôi nhà nghệ thuật với mong muốn góp phần nhỏ kiến thức của mình cho việc giới thiệu và quảng bá văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội tại Vương quốc Thuỵ Điển. Hy vọng Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội mãi là điểm hẹn nghệ thuật được các nghệ sĩ yêu mến, là nơi toả sáng văn hoá Việt được bè bạn quốc tế yêu thích tìm đến.

Hoạ sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955; ông tốt nghiệp khoa Sơn mài, Đại hoc Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1979. Sinh trưởng tại Hà nội, trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Công Quốc Hà cũng như bao nghệ sĩ cùng trang lứa, vất vả lo mưu sinh thường nhật, song ông vẫn đam mê miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật.

Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng về mỹ thuật, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Hoạ sĩ là cộng tác viên của nhiều nhà xuất bản, báo và tạp chí trong nước và quốc tế; hội viên danh dự Hội Mỹ thuật Đồ hoạ - Minh hoạ sách Hàn Quốc.

Ông từng giữ nhiều cương vị trong Hội nghề nghiệp như: Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật Đồ hoạ, Trưởng Chi hội Đồ hoạ Hà Nội, Chủ nhiệm đầu tiên Câu lạc bộ Hoạ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, Giám đốc nghệ thuật Trung tâm thiết kế Đồ hoạ ấn loát, Giám đốc nghệ thuật Nam Sơn gallery (Bộ Văn hoá)...

Hoạ sĩ là nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm nhóm về hội hoạ gây quỹ từ thiện giúp trẻ em nghèo và các vùng bị thiên tai bão lũ tại Việt Nam. Tác phẩm sơn mài của Công Quốc Hà được Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Columbia University College (Hoa Kỳ), các sưu tập gia trong nước và quốc tế sưu tập lưu giữ. Nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam Đặng Trường Lưu có viết: “... Nói đến diện mạo của  mỹ thuật đương đại Việt Nam thế kỷ 20, không thể thiếu tác phẩm sơn mài của Công Quốc Hà ...”.

 Nhà văn Trần Thu Dung (Pháp)