Hà Nội: Về làng quê thỏa thú tìm tòi

Cái chợ Chuông gần đường đi chùa Hương thuộc huyện Thanh Oai chỉ bán rặt các loại nón lá và nguyên liệu chằm nón. Chợ chỉ họp 6 phiên mỗi tháng (vào các ngày mồng 4, mồng 10, 14, 20, 24 và 30) tại đình làng Chuông.

Không gian chợ Chuông quá đẹp với các kiến trúc cổ kính và thêm bố cục chợ nón khiến du khách cảm thấy lạ lùng, lãng mạn... Đến làng Chuông ta còn được trải nghiệm nghề chằm nón lá, với các công đoạn chọn lá, ủi phẳng, rồi "xây" lá lên khuôn nón, và khâu chằm...

Khung sườn cho nón là những cái vòng tròn lớn nhỏ khác nhau bằng tre vót, do bên làng Canh Hoạch, còn gọi tên Nôm là làng Vác thực hiện và cung cấp. Thì ra từ xưa người Việt mình đã có một sự phân công lao động xã hội rất quy củ, rõ ràng: Nón làng Chuông nhưng sườn xuất xứ từ làng Vác.

Lại nói về làng Vác. Làng này chuyên các mặt hàng tre nứa, chủ yếu làm lồng chim đủ kiểu và làm vành nón cho làng Chuông bên cạnh. Từ cây tre ngàn đời gắn bó với con người, dân làng Vác biến thành đủ kiểu lồng nuôi chim, từ những chiếc lồng giá rẻ cho đến những chiếc có chạm khắc cầu kỳ và giá có khi hàng chục triệu đồng một chiếc.

Hạ Thái, thuộc huyện Thường Tín là làng nghề sơn mài nổi tiếng với các sản phẩm trang trí như tranh sơn mài, lọ sơn mài các kiểu. Làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm. Đến nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.

Rời Hạ Thái xuôi về phía Nam vài cây số sẽ gặp làng nghề thêu Quất Động. Nghệ nhân Quất động nổi tiếng từ xa xưa, với các sản phảm thêu tay tuyệt đẹp. Khung cảnh làng quê ấy thật thanh bình, và người làng rất mến khách. Sử làng ghi chép rằng nghề thêu Quất Động có từ 600 năm trước, nghệ nhân Quất Động lên Hà Nội mở hiệu bán buôn hàng thêu từ rất sớm. Khi tôi đến thăm những thợ thêu chợt gặp một đoàn khách Tây đang trầm trồ xem các sản phẩm thêu đang trưng bày.

Và sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến làng gốm Bát Tràng. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn bạn tôi, mê Bát Tràng đến nỗi bỏ nghề vẽ về với làng gốm. Làng có đến hàng trăm lò nung gốm. Mỗi gia đình là một công xưởng sản xuất. Nhiều nghệ nhân đã khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...

Rất nhiều khách nước ngoài mê làng Bát Tràng. Ngay trong chợ gốm giữa làng, nhiều du khách thú vị khi xem sản phẩm làng gốm bày bán...

Không thể kể hết làng nghề Hà Nội, chỉ mong sao cho mỗi làng nghề được xem là một phần di sản văn hóa Hà Nội, để mỗi làng nghề là một "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch Thủ đô.

Khi nhân loại đang trở về với sản phẩm thủ công truyền thống, tôi tin làng nghề Hà Nội nếu biết khai thác phát huy sẽ góp phần làm giàu, làm đẹp và độc đáo cho thành phố nghìn năm...

Tân Linh (Thể thao & Văn hóa)