Nguyễn Vinh Phúc - trọn một tình yêu Hà Nội

Là con một gia đình công chức, quê gốc Hưng Yên, từ nhỏ ông đã được đi rất nhiều nơi, từ Hà Nội, Thanh Hóa đến Huế, Nha Trang... nhưng cuối cùng Hà Nội vẫn là nơi để lại trong ông nhiều tình cảm nhất. Lớn lên ông tham gia kháng chiến cứu nước, đến năm 1948 do sức khỏe yếu nên ông phải chuyển sang làm nghề dạy học. Năm 1955, về Hà Nội, ông cùng giảng dạy với những nhà giáo nổi tiếng, uyên bác thời đó như Nguyễn Giang, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Uyển Diễm...


 
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là người thành thạo tiếng Hán, tiếng Pháp.
Ông thường nghe đài để cập nhật thông tin thời sự của thế giới

Những năm tháng làm thầy giáo, ông mong muốn có nhiều bài giảng hay để dạy cho học trò nên đã tự tìm cách nghiên cứu về Hà Nội. Đây cũng là thời điểm người khắp nơi kéo về khá đông nhưng đa phần đều không hiểu biết nhiều về Hà Nội. Vì thế ông đã gửi đăng nhiều bài nghiên cứu của mình trên các báo như Thủ đô Hà Nội, Độc Lập, Lao Động... để giúp đồng bào có thêm thông tin về Hà Nội. Trong khoảng 30 năm tiếp theo, đều đặn tuần nào ông cũng có bài đăng báo. Ông tự nhận xét một cách khiêm tốn: “Các công trình nghiên cứu của tôi về Hà Nội có thể thiếu, chưa đủ nhưng không sai, không bịa đặt, không suy diễn. Rồi độc giả sẽ tự tìm kiếm, hiểu thêm về Hà Nội trên nền tảng không sử dụng phương pháp áp đặt, võ đoán”.


 
Những công trình nghiên cứu có giá trị về Hà Nội
của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc



Trong căn nhà nhỏ, hàng đêm ông Nguyễn Vinh Phúc vẫn ngồi viết sách về
Hà Nội. Những công trình ấy được ông viết bằng tay rất cẩn thận và cầu kỳ


Hàng ngày, ông cặm cụi làm việc trong căn nhà nhỏ bên chiếc quạt "con cóc" và cái đài radio cũ kĩ cùng với đống sách báo ngồn ngộn. Và ít ai biết được rằng, chính trong căn phòng nhỏ ấy, ông đã hoàn thành 15 bộ sách quý viết về Hà Nội. Trong đó có những công trình nổi tiếng như: “Danh nhân Hà Nội”, “Hà Nội qua những năm tháng”, “Hà Nội – cõi đất, con người”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”, “Phố và đường Hà Nội”, “Hà Nội – phong tục, văn chương”, “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, “Hà Nội – nhân vật, văn hóa”, “1000 câu hỏi đáp về 1000 năm Thăng Long”…

Sau hơn nửa thế kỷ âm thầm cống hiến không màng đến lợi danh, từ một thầy giáo dạy văn ông đã trở thành một nhà Hà Nội học đầy uy tín. Và mới đây nhất ông vinh dự được trao Giải thưởng lớn của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” vì đã có những đóng góp lớn trong việc nghiên cứu và tôn vinh Hà Nội.

Nếu tra cụm từ “nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc” trên trang mạng Google chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài viết về ông. Nhiều người tìm đến ông bởi họ biết ông là một pho “từ điển sống” về Hà Nội. Trong tâm hồn ông, trong trí tuệ ông luôn đầy ắp những tình cảm và sự am tường về mọi vấn đề liên quan đến mảnh đất nghìn năm văn hiến này.

Ông có rất nhiều học trò, có người thành đạt, có người chỉ làm công việc bình thường. Nhưng với ông họ đều là những công dân có ích. Chính vì vậy mà một phóng viên đã hỏi ông rằng: “Ông có lúc nào cảm thấy tự hào về học trò của mình không?”. Ông đã thẳng thắn trả lời rằng: “Tôi không cảm thấy tự hào hơn khi có học trò làm quan to, chức lớn, và tôi cũng không cảm thấy có gì phải xấu hổ khi có học trò đạp xích lô. Bằng cách này hay cách khác, họ đều có những đóng góp cho xã hội. Cuộc đời phân hóa mỗi người mỗi việc, nhưng ở vị trí nào họ cũng đáng được quý trọng nếu là người lao động lương thiện và chân chất”.


 
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong những giây phút thảnh thơi
ngồi đọc sách bên hồ Gươm


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có tới năm người con, trong đó có ba người là tiến sĩ, một người là cử nhân luật và một người là giảng viên đại học. Ông luôn dạy bảo các con biết sống một cuộc sống thanh đạm và giản dị. Và ngay căn nhà nơi ông đang sống thì thứ quí giá nhất là sách. Sách trên bàn ăn, sách xếp chồng suốt dọc lối lên cầu thang, và sách hiện diện cả trên giường ngủ…

Chẳng  chức tước, không học hàm học vị, ở tuổi 83, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ngày ngày vẫn âm thầm, cần mẫn tiếp tục nghiên cứu về Hà Nội. Bởi với ông, Hà Nội từ lâu đã là lẽ sống, là hơi thở của đời ông.


(Theo BAVN )