Tác giả của kỳ thi tuyển hiền tài đầu tiên nước Việt

“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp” lời văn trong tấm bia đầu tiên (khắc năm 1484, ghi danh Tiến sĩ khoa thi 1442) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Phụng trực đại phu, Hàn Lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, Thân Nhân Trung soạn vừa hào hùng vừa khúc triết. Hiền tài cần thiết với quốc gia ví như hơi thở đối với một con người thì nhiều triều đại, nhiều đức vua đều biết. Nhưng bằng cách nào để có thể tuyển chọn được người thực sự hiền tài có thể phò vua giúp nước lại là một câu hỏi lớn. 

Thời quân chủ phong kiến, tước vị do cha truyền con nối là phổ biến. Nhà Đường ở Trung Quốc sớm đã tìm ra con đường để lựa chọn được những nhân tài cho đất nước bằng khoa cử. Năm 587, nhà Đường đã tổ chức kỳ thi đầu tiên tuyển hiền thay cho truyền tử. Ở nước ta, mấy trăm năm sau, tới thời vua Ngô Quyền và nhất là thời Đinh Tiên Hoàng mới khôi phục nền độc lập, tự chủ. Đinh Tiên Hoàng được suy tôn là người mở đầu cho nền độc lập, chính thống khi xưng “Đế” và đặt quốc hiệu là “Đại Cồ Việt; Đại Việt” ngang hàng với Đại Tống. Hiền tài thời nhà Đinh, tiền Lê chủ yếu vẫn là các thiền sư trong đó có những vị thiền sư lỗi lạc như Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh...

Việc tạo ra kỳ thi tuyển hiền đầu tiên là  một sự chuyển mình lớn lao của đất nước, là sự thay đổi tư tưởng lớn lao của vua và những vị quan đứng đầu triều đình: Đã biết san sẻ quyền lợi của bản thân và dòng tộc để tạo điều kiện cho những người tài giỏi có cơ hội vào triều phát huy tài trí, đưa đất nước giàu mạnh.

Sử sách ghi công lao vua Lý Nhân Tông mở ra kỳ thi tuyển hiền đầu tiên của nước Việt. Song trên thực tế, chúng ta sẽ thấy năm 1075, vua Lý Nhân Tông mới 10 tuổi. Vậy tất nhiên phải do một người khác tổ chức. Người đó là ai, sử sách không hề ghi chép.

Trong bài này, người viết mạnh dạn nêu lên tác giả vĩ đại đã xây dựng nên kỳ thi đầu tiên của đất nước. Đó chính là Thái sư Lý Đạo Thành.



 Tượng Thái sư Lý Đạo Thành tại Văn Chỉ
Khu di tích Đền Đô, Bắc Ninh


Thái sư Lý Đạo Thành là người hoàng tộc, đến nay chưa rõ năm sinh của ông. Căn cứ vào sử liệu, có thể suy đoán ông sinh vào khoảng năm 1009 khi Lý Thái Tổ đăng quang hoặc vào năm 1010 khi định đô Thăng Long. Tức là tính đến nay, chúng ta có thể kỷ niệm 1000 năm ngày sinh của ông. Lý Đạo Thành hiểu Phật nhưng ông đặc biệt thông Nho. Vì là người trong hoàng tộc nên ông sớm làm quan triều Lý, có thể làm quan từ thời vua Lý Thái Tổ. Cũng giống như nhiều vị quan khác đương thời, ông không được sử sách ghi chép trong thời kỳ làm quan triều Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông. Thế nhưng, khi vừa lên ngôi, năm 1054, vua Lý Thánh Tông đã phong ngay cho ông chức Thái sư. Đây là chức quan to nhất trong triều. Trong suốt 18 năm vua Lý Thánh Tông trị vì, Lý Đạo Thành đều được tin dùng làm Thái sư. Trong giai đoạn này của triều Lý, kinh tế, văn hóa phát triển mạnh. Việc tìm người hiền tài cho đất nước qua các cuộc thi cũng đã được triều đình, nhất là vị quan Thái sư đầu triều có tư tưởng Nho học tính đến. Tháng 8 năm 1070, có lẽ theo lời tấu biểu của Thái sư Lý Đạo Thành mà vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Đặc biệt là cho Hoàng Thái tử đến Văn Miếu học. Tiếc rằng, vua Lý Thánh Tông chưa kịp tổ chức một kỳ thi nào thì băng hà vào năm 1072. Hoàng Thái tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Thái sư Lý Đạo Thành - vị quan đầu triều trở thành vị quan Phụ chính và phò Thái hậu Thượng Dương chấp chính. Việc làm này theo quan điểm Nho gia: Tôn chính thất làm Thái hậu dù không phải là mẹ vua.

Đột nhiên, vào ngày 8 tháng 4 năm 1072 theo như Đại Việt sử ký toàn thư ghi thì sau khi làm lễ tắm tượng Phật nhân ngày Phật đản, vua Lý Nhân Tông giáng Thái sư Lý Đạo Thành xuống làm Binh bộ Thị lang (tương đương Thứ trưởng). Nghe mẹ, vua Lý Nhân Tông bèn sai giam Thái hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ rồi bức tử.

Thái hậu Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt tiếp tục giáng Binh bộ Thị lang Lý Đạo Thành làm Tả Gián nghị đại phu và phải ra coi giữ mảnh đất phên dậu Nghệ An. Tại đây, Lý Đạo Thành đã cho lập Viện địa tạng trong đó để tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh Tông để thờ.

Thấy quan lại trong triều Đại Việt chia rẽ nên Tể tướng Vương An Thạch nhà Tống, một vị quan đầu triều trẻ cầm đầu phái Tân pháp đã tính đến việc xâm lược Đại Việt. Trước nguy cơ chiến tranh cận kề, Thái hậu Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt đã phải mời Lý Đạo Thành từ Nghệ An về kinh và phong chức Thái Phó Bình chương quân quốc trọng sự để coi việc nội trị. Như vậy, Lý Thường Kiệt mới rảnh tay đối phó với Chiêm Thành và sau đó chủ động tấn công châu Ung, Khâm, Liêm nhà Tống.

Trước nhu cầu đất nước cấp bách cần người tài, Thái phó Lý Đạo Thành đã tấu biểu xin mở khoa thi Minh kinh Bác học và Nho học tam trường để tuyển hiền. Người đỗ đầu ở kỳ thi đầu tiên năm Ất Mão (1075) của nước Đại Việt chính là Lê Văn Thịnh, người trang Đông Cứu, lộ Bắc Giang. Tin tưởng và thực sự trọng dụng nhân tài nên ngay sau khi vừa thi đỗ, Lê Văn Thịnh đã được giao phó giúp vua học, năm sau, được phong chức Binh bộ Thị lang để phụ giúp Thái úy Lý Thường Kiệt chống giặc Tống sang xâm lược. Thái sư Lý Đạo Thành tiếp tục đứng đầu văn quan và giúp vua đưa đất nước ngày một hưng thịnh. Đến tháng 10 năm Tân Dậu (1081) thì lão thần Thái sư Lý Đạo Thành qua đời.

Để tri ân tiền nhân, ngày nay, một đường phố ở quận Hoàn Kiếm đã vinh dự mang tên Lý Đạo Thành. Tại Văn chỉ Đền Đô, Lý Đạo Thành cũng được thờ một cách trang trọng.
 

(Theo Đại Đoàn Kết)