Giải đáp về việc kết hôn và xin thường trú ở VN của NVNONN

 

Xin vui lòng giải đáp giúp tôi những vấn đề sau:

  1. Chồng tôi được phép ở lại Việt Nam trong bao lâu? Có thể gia hạn visa tối đa bao nhiêu lần?
  2. Nếu xin thường trú tại Việt Nam chồng tôi có thể quay trở lại Mỹ không?
  3. Chồng tôi muốn mang xe ô tô về Việt Nam để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày có được không? Phải làm những thủ tục gì? Thuế má ra sao?
  4. Nếu chúng tôi cưới nhau và có con tại Việt Nam thì phải làm thủ tục đăng ký kết hôn ra sao? Làm khai sinh cho con như thế nào?

Xin cảm ơn! 

Trả lời:

1. Thời hạn gia hạn visa:

Theo như bạn trình bày tại câu hỏi, chồng bạn có quốc tịch Việt Nam thì anh ấy có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, không bị giới hạn về thời hạn cư trú tại Việt Nam (theo Điều 48 của Bộ Luật Dân sự Việt Nam hiện hành năm 2005).

Tuy nhiên, nếu như anh ấy vào Việt Nam bằng hộ chiếu nước ngoài và đã cư trú tại Việt Nam hết thời hạn của thị thực được cấp thì có thể xin cấp thị thực mới. Thời hạn của thị thực mới phụ thuộc vào mục đích ở lại Việt Nam. Pháp luật hiện tại không hạn chế số lần cấp mới thị thực. Tuy nhiên, thời hạn giá trị của thị thực xin cấp phải ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất một tháng (theo điểm a, khoản 1, mục II Thông tư liên tịch số 04/2002/BCA-BNG ngày 29/01/2002 về việc Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28-5-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).

2. Đối với việc xuất cảnh:                          

Khi đã thường trú tại Việt Nam anh ta vẫn có quyền xuất cảnh sang Mỹ như đối với công dân Việt Nam (theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam).

3. Nhập khẩu ô tô về Việt Nam:

Liên quan đến câu hỏi về mang xe ô tô về Việt Nam để phục vụ việc đi lại của chồng bạn sẽ phát sinh hai trường hợp: a. Chồng bạn dự định về sinh sống lâu dài tại Việt Nam theo hình thức hồi hương; b. Chồng bạn đang thường trú ở Việt Nam (không làm thủ tục hồi hương). Hai trường hợp này, thủ tục mang xe ô tô về Việt Nam là khác nhau, cụ thể như sau:

a. Trường hợp, chồng bạn dự định về sinh sống lâu dài tại Việt Nam theo hình thức hồi hương:  

Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 100 Thông tư số 79/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 20/04/2009 hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là Thông tư số 79/2009/TT-BTC) thì hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư được miễn thuế nhập khẩu. Riêng xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc cho mỗi hộ gia đình.

b. Trường hợp, chồng bạn đang thường trú ở Việt Nam:

Khi đã thường trú ở Việt Nam, chồng bạn muốn mang ô tô về Việt Nam thì thủ tục nhập khẩu cũng như áp dụng với công dân trong nước và không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp di chuyển tài sản của người Việt Nam ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư.

4. Thủ tục nhập khẩu:

Cũng theo Thông tư số 79/2009/TT-BTC, thủ tục nhập khẩu chiếc xe thực hiện như sau:

        Thủ tục Hải quan:

·         Khai và nộp hồ sơ hải quan. Cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra chi tiết hồ sơ.

·         Cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế.

·         Thông quan.

·         Việc ký, đóng dấu “đã làm thủ tục hải quan” trên tờ khai hải quan do công chức hải quan tại khâu cuối cùng thực hiện.

Thủ tục hải quan được hoàn thành, chiếc xe đó được thông quan sau khi các công việc trên được thực hiện.

        Thủ tục xét miễn thuế:

·         Nộp và tiếp nhận hồ sơ xét miễn thuế:

Ø       Người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được xét miễn thuế; nộp hồ sơ cho cục hải quan tỉnh, thành phố nơi cửa khẩu nhập.

Ø       Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan hải quan, công chức hải quan tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.

Ø       Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp bằng đường bưu chính, công chức hải quan đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan hải quan.

Ø       Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp bằng giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ xét miễn thuế do cơ quan hải quan thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

·         Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ xét miễn thuế do người nộp thuế khai và xử lý như sau:

Ø       Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ để hoàn chỉnh hồ sơ;

Ø       Ban hành quyết định miễn thuế theo quy định hoặc thông báo cho người nộp thuế biết lý do không thuộc đối tượng xét miễn thuế, số tiền thuế phải nộp trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ và xử phạt (nếu có); trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ thì thời hạn này có thể kéo dài tối đa là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

·         Trên cơ sở quyết định miễn thuế, cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thanh khoản số tiền thuế được xét miễn, ghi rõ trên tờ khai hải quan gốc lưu tại đơn vị và tờ khai hải quan gốc do người nộp thuế lưu: "Hàng hoá được xét miễn thuế theo Quyết định số... ngày... tháng... năm... của...".

5. Thủ tục đăng ký kết hôn:

Do bạn và chồng sắp cưới của bạn đều là công dân Việt Nam. Vì vậy, việc đăng ký kết hôn của bạn với chồng sắp cười của mình được tiến hành như những công dân trong nước. Bạn và chồng sắp cưới có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã của bên chồng hoặc bên vợ (theo Điều 12, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).

6. Làm khai sinh cho con:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện như sau:

1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. 

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn. 

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh”.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội