Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm báo

Đỗ thủ khoa trong hai kỳ thi hương và thi hội, đỗ tiến sĩ năm 1904 và là một nhà Nho thâm hậu nhưng cụ Huỳnh từ chối quan trường, đem sở học uyên bác ấy để phục vụ dân sinh, đấu tranh cho nền độc lập. Không những là nhà chí sĩ kiên trung, thương nòi giống, chuộng tự do mà cụ Huỳnh còn thể hiện tính cương trực, ý chí mạnh mẽ, ngòi bút thẳng thắn trong báo chí. Suốt cuộc đời luôn luôn ngay thẳng như cái tên Thước từ thuở lọt lòng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sinh năm 1876 tại làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Thưở nhỏ gọi tên là Thước. Từ lúc đi học cho đến khi đỗ tiến sĩ, lấy tên là Huỳnh Hanh, về sau đổi thành Huỳnh Thúc Kháng. Cụ là người sáng lập và là chủ bút tờ báo Tiếng Dân.

Là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào kháng thuế năm 1908, cụ bị thực dân Pháp đày đi tù Côn Đảo 13 năm. Sau đó cụ Huỳnh trở về sống lại quê hương, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ bà con.


 
Tòa soạn Báo Tiếng Dân (Ảnh Tư liệu)


Trúng  cử gần như tuyệt đối (620/640 phiếu cử tri) và được bầu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ nhưng trong nghị trường cụ luôn đấu tranh. Nhân việc chống lại khâm sứ Pháp Jabouille, cụ Huỳnh từ chức viện trưởng, rời bỏ nghị trường, ra Huế gặp lại các đồng chí cựu tù để lập nên cơ quan ngôn luận. Nguyên lúc bấy giờ, ở Huế đã hình thành tờ báo có tên là Vệ Cương nhưng sự việc bất thành và cụ Huỳnh nhân đấy mượn chân báo ấy mà làm nên cơ quan báo chí, đặt tên báo là Tiếng Dân. Cụ thành lập công ty tập cổ để huy động vốn. Số tiền gửi vào lên đến 30.000 đồng (một tạ thóc lúc bấy giờ là 3 đồng).

Báo quán đặt tại số 127, đường Đông Ba. Cụ Huỳnh làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Số báo phát hành đầu tiên vào ngày 15-8-1927. Chào mừng sự kiện lịch sử ngôn luận ở miền Trung, cụ Huỳnh làm câu đối:

TIẾNG như sấm đất vang, mới bao năm gió Mỹ mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi
DÂN là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng, chồi Lạc, ngàn trùng non nước, khí thiêng, hộ giống nòi chung.

Bài viết trên các trang báo hầu hết là của cụ vì thế cho nên cụ lấy nhiều bút danh. Lúc thì ký tên là Khách Quan trong mục bình luận. Khi vịnh về sử ký, với bút hiệu là Sử Bình Tử. Đóng vai ký giả, phóng viên, cụ dùng bút danh là Tiếng Chuông. Trong những bài phóng sự nóng, cấp bách, lấy bút hiệu là Mính Viên. Chỉ riêng với các đề tài quan trọng, lời lẽ sắc bén và những bài xã luận, lên án chế độ thực dân cụ mới sử dụng chính danh Huỳnh Thúc Kháng. Mạnh mẽ của ý nghĩa công khai (ouvert). Chánh ngôn độc lập, không a dua (chữ dùng của cụ). Vì viết nhiều đề tài, chương mục khác nhau nên cụ còn có những bút danh khác nữa như: Tha Sơn Thạch, Xà Túc Tử, Ngu Sơn, Tiếng Dân, Thức Tự Dân… Kể ra như thế để thấy sự làm báo không biết mệt mỏi, tính lao động miệt mài, một ngòi bút cực kỳ năng động của cụ Huỳnh. Ông nói lên nỗi thống khổ của đồng bào và mạnh dạn vạch trần xảo ngôn, mị dân của thực dân Pháp để cho độc giả, đồng bào thấu hiểu.

Giúp việc đắc lực cho tờ báo là những trợ bút tài năng như Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Lê Nhiếp (hiền tế của cụ, mất năm 1986), Ngô Đức Diễn (bào đệ Ngô Đức Kế), Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương… Báo Tiếng Dân không bao giờ thiếu vắng những chuyên mục bình luận, tin trong nước, vịnh sử, bình văn, luận thơ, dịch thuật những tiểu thuyết giá trị, nổi tiếng của Trung Quốc, Pháp...; vinh danh các phong trào yêu nước, những cuộc cách mạng giành độc lập…

Với cụ Huỳnh, “Dân là gốc nước - Tiếng dân đâu đó cũng là dân”. Trên số báo ra ngày 20-8-1928, cụ viết: “Ngày nay là ngày dân quyền phát đạt. Khắp trên thế giới chữ Dân đã hiện thành một chữ rất to lớn. Nét ngang, sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gom tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng khẳng định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Lời cương trực, tính xác tín, lấy đức tính quang minh chính đại ấy làm kim chỉ nam ngôn luận qua suốt 1.766 số báo với 16 năm (1927 - 1943)  sống còn.

Ngày 21-4 quả là ngày tháng định mệnh với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ngày ấy,  năm 1943, toàn quyền Decoux ra lệnh đình bản báo Tiếng Dân. Và sau 1.825 vòng nhật nguyệt, năm 1947, cũng nhằm ngày định mệnh kia, cụ Huỳnh qua đời tại Quảng Ngãi, hưởng thọ 71 tuổi.

Bảy ngày trước khi mất, cụ Huỳnh vẫn còn làm thơ. Tinh thần sáng suốt, tỉnh táo đánh điện báo tin cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung rất rành mạch:

Gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không gặp được cụ lần cuối cùng! Chúc cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc.
Chào vĩnh quyết
(Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 4 năm 1947)

Vô cùng đau xót khi nghe tin cụ Huỳnh qua đời. Ngợi ca đức độ cao cả, chí khí cách mạng  vững bền của cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Lôn mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”.

Nhà văn Thiếu Sơn gần sáu mươi năm trước đã minh luận về cụ Huỳnh: “Đối với Ông thì không có cái mỹ thuật nào hơn được cảnh trí của non sông, và không có cái văn chương nào hơn cái văn chương làm cho dân khôn nước mình”.

(Theo QuảngNam)