Tổng đốc Hoàng Diệu: Sống vì dân, chết cũng vì dân

Vì dân trừ tệ

Thân phụ ông là Hoàng Văn Cự, làm hương chức, qua đời ở tuổi 54; thân mẫu là Phạm Thị Khuê thọ 88 tuổi. Suốt đời, bà tần tảo làm ruộng, chăn tằm, nuôi dạy các con thành tài. Ông bà sinh 11 người con, 8 trai và 3 gái. Trong đó, 6 người đỗ đạt: một phó bảng, ba cử nhân và hai tú tài. Khoa thi hương tại tỉnh Thừa Thiên năm 1848, Hoàng Kim Giám 23 tuổi và Hoàng Kim Tích 20 tuổi cùng đậu cử nhân. Bấy giờ, chánh chủ khảo - Tham tri bộ Binh Hoàng Tế Mỹ thấy bài văn của hai anh em có điểm giống nhau nên ngờ vực bèn tấu trình lên vua. Vua Tự Đức cho phúc hạch, mỗi người ngồi một phòng ở tả vu và hữu vu điện Cần chánh. Sau khi xét duyệt, vua Tự Đức phê rằng: “Văn hành công khí, quý đắc chân tài, huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”, nghĩa là Sự hành văn là việc chung, cốt để chọn nhân tài, anh em đồng khoa là việc tốt đẹp.


 
Tổng đốc Hoàng Diệu


Năm Tự Đức thứ 6 (1853), lúc 25 tuổi, Hoàng Diệu dự thi Đình và đậu Phó bảng, được cử giữ chức Hàn lâm kiểm thảo rồi đi nhậm chức tại các huyện Bồng Sơn, Tuy Viễn (Bình Định), Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm 1877, ông được thăng Hình bộ Tham tri rồi chuyển sang Lại bộ kiêm quản Đô sát viện. Sử triều Nguyễn chép: “Phàm có việc thuyên chuyển, đề cử đều một lòng công bằng, người ta đều khen là liêm chính”.

Năm 1878, tại Quảng Nam xảy ra trận lụt lớn, dân các phủ huyện lâm vào cảnh bệnh tật, chết đói, trộm cướp, vua Tự Đức cho xuất tiền, gạo và giao cho Hoàng Diệu chức Khâm sai đại thần cầm cờ tiết có bốn chữ “tiện nghi hành sự”, lo việc chẩn tế an dân, dẹp trừ trộm cướp.

Hồi ấy ở làng Giáo Ái có tên cường hào tên là Hương Phi, lợi dụng lụt lội cho tay chân đi cướp bóc. Hoàng Diệu điều tra, nắm bắt các bằng chứng xác thực rồi bàn với quan tỉnh gọi Hương Phi đến xét hỏi. Ông cho niêm yết tội trạng của Hương Phi và nghị án xử trảm. Cùng thời gian, Hoàng Diệu phát giác tại tỉnh này có một người đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876) đã nhờ người khác làm bài và hai người mang danh tú tài nhưng không có thực học. Thêm nữa, hai ông tú tài, nhân nạn đói, chuyên mua rẻ bán đắt, vơ vét để làm giàu, bị dân oán ghét. Ông tìm hiểu thấu đáo và trình lên vua cho sát hạch lại, do đó mà làm rõ được vụ án.

Năm 1868, Hoàng Diệu ra Bắc làm Tri phủ Đa Phúc, rồi Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh. Ở đâu, Hoàng Diệu cũng chăm lo đến sự sống của người dân. Vua Tự Đức ban lời khen rằng: “Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu, không ai hơn”. Năm 1879, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ là Thượng thư Bộ lễ Đỗ Đệ hội bàn với sứ thần Tây Ban Nha về một hiệp ước giao thương. Tiếp đó, ông được thăng Thượng thư Bộ Binh.

Đầu năm 1880, Hoàng Diệu nhận chức Tổng đốc Hà Ninh, kiêm trông coi việc thương chính. Bấy giờ ở Hà Nội, dân chúng bị cường hào và bọn du thủ du thực quấy nhiễu, nhất là ở vùng cửa ô Thanh Hà, thông ra bến sông Hồng. Ông bàn với Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, khắc bia “Thân cấm khu tệ” (Lệnh cấm trừ tệ) gắn vào tường phía trong Ô Quan Chưởng và trước nha môn của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Văn bia nêu các bằng cứ: “Ví như năm Tự Đức thứ 32 (1779), người phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế nhà nghèo, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, thuê bốn người khênh quan tài, mà bọn phu điếm sở tại bắt thuê 8 người, đòi tiền 24 quan chúng mới nhận làm (…). Lại như bọn ở trại Dưỡng Tế, nhân các buổi cưới xin tang tế, tụ tập nhau lại, nhũng nhiễu các phố và thường ngày ra các thuyền bè ngoài bến sông cùng các hàng vặt ở chợ, lộng hành ăn cắp cướp giật; tệ hơn nữa, đến cuối năm vào nhà người ta đòi dăm ba quan, không đưa thì sinh sự vu vạ”. Ông vạch mặt chỉ tên: “Cứ theo mọi lẽ trong lời bẩm thì bọn lý dịch trong đó ngày thường không khỏi thông đồng, dung túng bọn phu điếm và không nghiêm cấm bọn dưỡng tế, để đến nỗi sinh tệ đã thành quen, thật là đáng ghét”. Từ nay “việc tống táng thì để tang chủ tùy nghi mà làm, nếu có người ngoài đến giúp thì lại càng tiện; hoặc thuê phu thì không nhất thiết phải thuê người sở tại. Còn thói sách nhiễu của bọn dưỡng tế thì nhất thiết phải cấm để uốn nắn lại phong tục. Nếu sau khi đã nghiêm sức rồi mà chỗ nào hãy còn tình tệ như cũ, phát giác được thì từ bọn can phạm đến tổng lý bị trừng trị nặng, huyện nha sở tại cũng khó mà chối được lỗi của mình.

Tuẫn tiết với thành Hà Nội

Sáng 25-4-1882, Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, đòi ông phải giao thành cho chúng. Đến 10 giờ, quân Pháp bắt đầu nổ súng. Lúc đó, Hoàng Diệu mặc dầu đang ốm vẫn cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng dẫn đầu tướng sĩ xông lên mặt thành đánh giặc. Ông cho đóng chặt cửa Đông và cửa Bắc để dồn quân vào giữ cửa Nam và cửa Tây. Đến khi quân Pháp xông lên mặt thành thì một cuộc ác chiến nổ ra. Một viên hiệp quản bắn chết một sĩ quan Pháp được Hoàng Diệu thưởng tại trận 30 lạng bạc khiến cho quân sĩ càng nức lòng. Trận chiến tiếp diễn đến 11 giờ trưa thì kho thuốc súng trong thành nổ tung làm cho tinh thần quân sĩ hoang mang. Thừa lúc rối ren, quân Pháp dồn lực lượng đánh cửa thành phía Tây và phía Bắc. Giặc ùa vào bên trong, quân ta tan rã. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu quay về dinh, mặc triều phục chỉnh tề, vào hành cung bái vọng mà khóc “Sức thần đã hết rồi” và thảo một tờ biểu gửi vua Tự Đức: “Thần là một kẻ thư sinh biết đâu việc binh bị mà bệ hạ giao cho chức vụ quá trọng. Làm sao tin được lòng giặc nên thần lo sửa soạn đề phòng. Việc chưa xong thì binh Pháp kéo đến… Một mình thề với Long thành, nguyện theo Nguyễn Tri Phương nơi suối vàng vậy”. Sau đó, để bảo toàn khí tiết, ông đến bên cây đa trước cửa Võ miếu thắt cổ đúng vào giờ Ngọ, ngày mùng 8 tháng Ba năm Nhâm Ngọ (25-4-1882).




 Con đường mang tên Hoàng Diệu tại Hà Nội


Được tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, nhân dân Hà Nội vô cùng thương tiếc. Ngay hôm sau, dân tập trung và rước quan tài của Hoàng Diệu an táng tại khu vườn dinh Đốc học (nay là phố Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội). Trong lễ tang, các sĩ phu ở Hà Nội có bài điếu:

Cô thành chống giữ một mình thôi
Khảng khái như ông được mấy người
Cựu lục nghìn năm gương tiết dọi
Cô thần một chút tấm trung phơi

(…)
Nghìn thủa Nùng Sơn nêu chính khí
Anh hùng đến thế lệ cùng rơi.

Còn vua Tự Đức, ngay sau khi nhận được biểu trần tình của Hoàng Diệu, đã ra chỉ dụ khen ngợi và sai các quan tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định lo việc chuyển mộ ông về quê hương Quảng Nam vào mùa thu năm đó. Em trai Hoàng Diệu là Hoàng Chấn, khi đó đang làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) đi theo hộ vệ quan tài. Tự Đức sai quan tỉnh Quảng Nam ban một tuần tế, lại cấp 1.000 quan tiền nuôi bà mẹ của Hoàng Diệu.

Ca ngợi khí tiết của vị Tổng đốc anh hùng, một vị túc Nho tại Hà Nội đã soạn bài Hà Thành chính khí ca. Ông còn được người Hà Nội thờ tại miếu Trung Liệt, bên gò Đống Đa. Đền còn câu đối ca ngợi công đức Hoàng Diệu:

Kia thành quách, kia non sông trăm trận phong trần còn thước đất,
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tên Hoàng Diệu được đặt cho một đường lớn và đẹp của Thủ đô. Đường Hoàng Diệu dài 1.340m, từ phố Phan Đình Phùng đến phố Nguyễn Thái Học, vốn là đường hào cạnh phía Tây hành cung thành Hà Nội đời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, tên ông được đặt cho Hà Nội, gọi là thành Hoàng Diệu.

Ngày 20-12-2003, thành phố Hà Nội cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trên vọng lâu cửa Bắc. Tại đây, có tượng đồng hai vị tổng đốc đã dũng cảm đánh Pháp giữ thành năm 1873 và 1882 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cung tiến. Đền treo bức hoành “Nghĩa liệt anh hùng” và đôi câu đối của GS Vũ Khiêu:

Trung vi quốc, nghĩa vi dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt,
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu chính khí vượng sơn hà.

Tạm dịch nghĩa:

Trung với nước, hiếu với dân, tấm lòng son sáng tựa mặt trời, mặt trăng,
Sinh ở Nam, mất ở Bắc, khí tiết nghìn năm sau vẫn rạng rỡ nước non này.

(Theo Hanoimoi)