Phạm Tuân: Đời là quá trình không ngừng học hỏi

Gặp lại người Anh hùng của trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, một trong những trận chiến quyết định dẫn đến thắng lợi của ta trên bàn Hiệp định Pari năm 1973 và đại thắng mùa xuân năm 1975, thấy ông thật bình dị mà quật cường ý chí.



 Anh hùng Phạm Tuân đang chăm sóc những giò phong lan


Ý chí ấy không chỉ thể hiện ở hình ảnh máy bay B52 địch cháy tan rừng rực trên bầu trời Hà Nội đêm tháng 12/1972 mà còn thể hiện ở sự không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình của thời khắc lịch sử oai hùng ấy.

Đi lên từ bùn đất

Phạm Tuân sinh ra và lớn lên tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một vùng quê thuần nông chiêm trũng, người dân quanh năm chỉ có nghề trồng cấy, quanh năm gắn với ruộng đồng, bùn đất. Tuổi thơ của ông giống như bất cứ một cậu bé nào của vùng đồng bằng Bắc bộ, cũng những ngày chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc.

Lớn lên, Phạm Tuân đi bộ đội và được tuyển chọn vào lực lượng phòng không không quân. Được cử sang thành phố Krasnodar của Nga để học nhưng ban đầu, ông chỉ được phân vào lớp học thợ máy. Nhưng như một cơ duyên khi lớp đào tạo phi công cần thêm một người, Phạm Tuân may mắn được chọn.

Và ông đã khẳng định được sự tin tưởng của mọi người dành cho mình bằng những chiến công hiển hách mà tiêu biểu nhất là trận chiến với quân đội Mỹ đêm 19/12/1972 trên bầu trời Hà Nội, khi người con đất lúa ấy đã xé tan “pháo đài bay” B52 của địch, trở thành phi công đầu tiên của Việt Nam tiêu diệt B52 từ trên không và trở về an toàn.

Năm 1979, ông lại một lần nữa lập thành tích xuất sắc là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu Soyuz. Ở trạng thái không trọng lượng, Phạm Tuân đã cùng hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô tiến hành các thí nghiệm. “Với tôi, đó là một vinh dự và là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời,” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Hiện ông là người Việt Nam duy nhất được ba lần trao tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (1973), Anh hùng Lao động (1980) và Anh hùng Liên Xô (1980).

Đến Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng

Năm 2002, Phạm Tuân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng quân đội. Ông cười rổn rảng khi nhớ lại những bước chân đầu tiên vào cái lĩnh vực hơi “Tây” này: “Đây  đúng là một thử thách. Đang từ không quân chuyển sang một lĩnh vực rất mới, hiện đại và khó. Thời gian đầu thậm chí nghe mọi người nói toàn thuật ngữ chuyên ngành mà chẳng hiểu gì.”

Lạ lẫm nhưng lại phải đảm nhiệm vai trò là người đứng đầu, định hướng phát triển cho một ngân hàng lớn, hơn ai hết, ông hiểu rằng để làm được điều đó thì phải có kiến thức, có quyết tâm nhưng không có nghiệp vụ thì cũng không làm được.

Thế là ông lăn lưng vào học, học trên sách vở, trong các cuộc họp, những lần đi kiểm tra, học từ chính những người nhân viên của mình. Rồi ông đi học thêm đủ các lớp về các vấn đề liên quan như quản trị rủi ro, quản lý vốn… do Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng lớn tổ chức giảng dạy. Ông cũng không bỏ lỡ bất cứ một buổi thảo luận nào về cách huy động vốn, về hướng kinh doanh… “Đây chính là cơ hội giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn, đa chiều hơn và học hỏi được từ kinh nghiệm của các ngân hàng bạn. Phải mất hơn một năm trời nỗ lực không ngừng, tôi mới hết bỡ ngỡ," Phạm Tuân tâm sự.

Đến tận bây giờ, khi đã không còn ngồi trên “ghế nóng” của Ngân hàng Quân đội, Phạm Tuân vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy, nhất là khi phải đau đầu cùng ban lãnh đạo xây dựng Chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2004 – 2009.

“Ngân hàng cần được cơ cấu, tổ chức lại để tránh chồng chéo, tính toán về quy mô, xác định lại đối tượng khách hàng, hệ thống đại diện chi nhánh... đúng lúc mình mới sang nên tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Chiến lược thành công đã thay đổi tư duy trong quản lý, trong kinh doanh và giúp cho ngân hàng có sự phát triển đột biến, năm sau gấp đôi năm trước. Trong vòng 5 năm, từ 2004 đến 2009, lợi nhuận đã tăng hơn 10 lần, từ 40 tỷ lên 600-700 tỷ đồng,” cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội hạnh phúc chia sẻ.

“Có điều là "thèm" bay, nhất là những lần đi công tác, ngồi trên máy bay tôi cứ có cảm giác lâng lâng khó tả, những kỷ niệm của một thời lại ùa về. Đôi khi, nhớ buồng lái quá, tôi lại chạy vào ngồi cạnh phi công.”

Mặc dù tới cuối năm nay, Phạm Tuân mới nghỉ hưu hẳn nhưng ông đã lên kế hoạch rất đầy đủ cho kỳ nghỉ dài hạn của mình với một vườn cây đủ loại phong lan, hàng chục chú chim hót líu lo suốt ngày và những chuyến đi dọc khắp đất nước. Ông cười nói: “Nhiều người nói khi nghỉ sẽ thấy hụt hẫng, nhưng tôi đã chuẩn bị tâm thế này từ rất lâu. Ai cũng đến lúc già đi, cần nghỉ ngơi. Còn rất nhiều nơi trên đất nước mình tôi chưa đặt chân đến nên dự kiến tôi sẽ đi du lịch.”

Tính cách luôn chủ động sẵn sàng và quyết tiến của anh bộ đội cụ Hồ có lẽ đã đi vào huyết quản của người anh hùng một thời khói lửa, là một trong những chìa khóa giúp ông thành công trên nhiều lĩnh vực.

(Vietnam+)