Giai thoại về vua Lê Thánh Tông

Tới nơi, Vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối, mà du dương uyển chuyển lạ thường, khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà Vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền đề ngay lên vách chùa hai câu: 

Tới nơi thấy cảnh thấy người,
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần!
 

Rồi nhà Vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tuỳ tùng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của "Tao đàn nhị thập bát tú" có thơ vịnh như sau: 

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy bụi, hãy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc nào đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười! 

Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu "thực" thiếu ý cảnh và sửa lại rằng: 

Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời. 

Nhà Vua khen hay, rồi đưa luôn nàng về cung. Nhưng tục truyền, kiệu đi tới cửa Ðại Hưng thì nàng chợt biến mất. Lấy làm lạ, Vua liền sai dựng ở đó một cái lầu gọi là Vọng tiên lầu để lưu dấu người tiên.

(St)