Giải đáp các vấn đề 2 quốc tịch, nhập khẩu xe, làm hộ khẩu và CMND đối với kiều bào muốn thường trú ở VN

 Xin hỏi:

  1. Tôi muốn đem về một chiếc xe hơi, sử dụng điện (acquy), ở Nauy chuyên dùng cho người tàn tật. Vậy tôi muốn xin miễn thuế khi mang về Việt Nam có được không?
  2. Khi tôi sang Nauy - lúc đó chưa có lệnh bắt buộc bỏ quốc tịch, vẫn giữ được giấy Chứng minh Nhân dân (CMND) cho đến giờ. Vậy tôi có phải được mang 2 quốc tịch? Ai xác nhận?
  3. Tôi được đổi CMND không? Nếu được thì làm thế nào?
  4. Tôi được làm hộ khẩu không? Mỗi năm tôi về nước 2 lần, thời gian ở khoảng 6 đến 9 tháng.

Trả lời:

1. Miễn thuế nhập khẩu:

Theo quy định tại điểm c) khoản 2 Điều 100 Thông tư số 79/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 20/04/2009 hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư được miễn thuế nhập khẩu. Riêng xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc cho mỗi hộ gia đình.

Xin lưu ý, tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được hiểu là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức mang theo khi thôi cư trú, chấm dứt hoạt động ở nước ngoài (khoản 5, Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 14/06/2005).

Như vậy, chiếc xe hơi, sử dụng điện (acquy) của ông (bà) sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu thuộc tài sản di chuyển của cá nhân, hộ gia đình theo quy định nêu trên.

2. Quốc tịch :

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/09/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam («Nghị định số 78/2009/NĐ-CP») : «Kể từ ngày 1/07/2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam». Như vậy, đối với trường hợp của ông (bà), có thể ông (bà) sẽ được mang 02 quốc tịch.   

Tuy nhiên, để giữ quốc tịch Việt Nam, ông (bà) cần phải thực hiện việc đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam và thông báo có quốc tịch nước ngoài tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nauy theo quy định sau: «Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01 tháng 7 năm 2014. Hết thời hạn này, người đó không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam; nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật» (khoản 1 Điều 18 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP).

Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, những người này, nếu ở nước ngoài phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền; nếu ở trong nước phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó cư trú biết việc họ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài (khoản 2 Điều 21 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP).

Cơ quan thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là Cơ quan đại diện Việt Nam thường trú hoặc kiêm nhiệm tại Nauy. Trường hợp Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao hoặc chưa có Cơ quan đại diện thường trú hoặc kiêm nhiệm tại Nauy thì việc đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước thứ ba theo sự ủy quyền của Bộ Ngoại giao (Điều 19 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP).

3. Sổ hộ khẩu:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật cư trú 2006: «Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân».

Như vậy muốn được cấp sổ hộ khẩu, ông (bà) phải làm thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam. Bạn có thể đăng ký thường trú tại tỉnh hoặc tại thành phố trực thuộc trung ương nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo luật định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Cư trú năm 2006, bao gồm:     

i. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh:

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

ii. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

  1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
  2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    1. Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
    2. Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
    3. Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
    4. Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ)   Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

  1. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
  2. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

4. Chứng minh nhân dân:

Trong hồ sơ đổi CMND có yêu cầu về hộ khẩu thường trú. Do đó để được đổi CMND trước hết bạn phải làm thủ tục để được cấp sổ hộ khẩu, sau đó làm hồ sơ và thủ tục xin đổi CMND tại cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Đối với trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng năm sinh hồ sơ đổi CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi những nội dung này.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội