Những phố hàng ở Hà Nội

Thời nhà Lý, triều đại mở ra kinh thành Thăng Long, lúc đó có 61 phường. Đến đầu thời nhà Lê, 61 phường ấy được nhập vào còn 36 phường, nhưng các phường đều nằm rải rác ven các sông hồ (Hà Nội lúc đó là đô thị sông hồ). Đến thời Hồng Đức (1460 - 1497), 36 phố phường được mang các tên: Phường Hà Khẩu, Diên Hưng, Đồng Lạc, Cổ Vũ, Thái Cực, Đông Các, Đông Thọ, Đồng Xuân… là những khu, những dãy chuyên bán một mặt hàng hoặc gia công, làm thủ công một loại sản phẩm.


Phố Hàng Than nay bán bánh cốm và những hàng phục vụ cưới, hỏi



Khách nước ngoài du lịch thăm phố cổ bằng xích lô


Năm 1872, Pháp xâm lược và cai trị, lúc đó Hà Nội vẫn còn trong tình trạng “nhà chưa có số, phố chưa có tên”. Năm 1884 - 1886, chính quyền bảo hộ cho lấp một đoạn sông Tô Lịch và một số sông hồ khác, quy hoạch xây dựng khu phố “Tây”, bên cạnh đó cũng chỉnh trang khu phố cổ và chính thức hóa việc đặt tên phố và gắn biển số nhà, nhưng chủ yếu bằng chữ Pháp. Không rõ do chữ “Tây” quá rắc rối đối với người lao động hay do tinh thần tự tôn dân tộc mà đầu những năm 1940, chính quyền Trần Trọng Kim đặt lại các tên phố phù hợp với mặt hàng bày bán: Hàng Lược, Hàng Mắm… Trong khu phố cổ có những phố làm nghề thủ công, gia công nổi tiếng tinh xảo, đã tạo nên ấn tượng “khéo tay nghề, đất lề kẻ chợ”.
   
Rồi những năm tháng đầy biến động, khu phố cổ mang tên phố Hàng… cũng có nhiều thay đổi, hoán dịch theo nhu cầu của xã hội, của con người. Đến bây giờ chỉ còn mươi phố có tên Hàng… vẫn còn bán những hàng đúng như tên gọi: Phố Hàng Bạc danh tiếng với nghề đúc kim hoàn, gia công vàng bạc trang sức… Phố Hàng Khay bán đồ mỹ nghệ, chạm khảm sơn mài… Phố Hàng Mã nhộn nhịp mua bán hàng mã, đồ chơi trung thu, chữ dán phông màn đám cưới…. Phố Hàng Mành bán mành tre, Phố Hàng Chiếu bán chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa), chiếu Thái Bình, chiếu trúc… Phố Hàng Đồng bán nhiều đồ thờ bằng đồng, lư hương, đỉnh đồng, hạc đồng, có cả tượng Phật, tượng Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vân Trường… Phố Hàng Đường còn một số cửa hàng bán ô mai, hạt sen, mứt các loại và bánh kẹo thủ công… Phố Hàng Thiếc chí chát gò hàn làm ra những hàng gia dụng bằng tôn… Phố Hàng Bông cùng phố Hàng Đào bày bán tơ lụa, quần áo may sẵn… Những phố trước bán những thứ hàng cồng kềnh bây giờ đã mất hẳn: Phố Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Vôi, Hàng Thùng…


Phố Hàng Mã vẫn sầm uất với những hàng mã, đồ chơi Trung thu



Phố Hàng Đồng bán những đồ thờ bằng đồng


Phố Hàng Mắm nay bán tiểu sành và hàng chạm khắc bia mộ


Nhiều phố ngày xưa bán hàng theo tên phố, bây giờ đã chuyển đổi hẳn sang những hàng khác: Phố Hàng Than giờ bán bánh cốm, chè thuốc… phục vụ cưới hỏi. Phố Hàng Vải nay bán toàn tre nứa… Phố Hàng Cháo nay bán ốc vít, mũi khoan và dụng cụ cơ khí, cơ điện… Phố Hàng Khoai bán chén, bát, ấm, bình sứ, thủy tinh… Phố Hàng Điếu nay khởi sắc bán chủ yếu chăn, ga, gối, đệm… Phố Hàng Cân bán bìa, giấy; phố Hàng Giấy bán giày dép, thịt bò khô và dụng cụ câu cá… Phố Hàng Mắm bán tiểu sành, bia đá, gia công chạm khắc mộ chí…
   
Phố Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Ngang, Hàng Chĩnh, Hàng Phèn, Hàng Bút, Hàng Hương, Hàng Lược, Hàng Cá, Hàng Đậu, Hàng Bún, Hàng Hành, Hàng Rươi, Hàng Muối… bây giờ không biết bán mặt hàng gì là chính. Đan xen trong khu phố cổ, có những phố không mang tên Hàng: Phố Thuốc Bắc, Lãn Ông, Lò Rèn, Lò Sũ, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây… Dạo qua một vòng khu phố cổ, 36 phố phường Hà Nội, ta thấy những phố tên Hàng… đã mất đi rất nhiều hàng theo tên phố. Thay vào đó là nhiều khách sạn, tiệm cà phê, hàng ăn, quán bia… Vẫn biết đây là sự chuyển dịch, hoán đổi tự nhiên, là nhu cầu kịp thời của xã hội, nhưng sự mất đi những mặt hàng theo tên các phố lại gây không ít bồi hồi, luyến tiếc cho nhiều người:

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”.

(Báo Ảnh Đất Mũi)