Chàng sinh viên Việt Nam nhận được 9 đề nghị cấp học bổng

Vương Bá Quý, chàng sinh viên từng nhận được 9 đề nghị cấp học bổng nghiên cứu sinh của nhiều trường đại học lớn trên thế giới, khẳng định sẽ quay về Việt Nam ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Mỹ.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang (Xinhgapo), Quý đã từ chối đề nghị từ 7 trường đại học khác nhau của Mỹ, lựa chọn học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam để theo học ngành Database (trường Đại học Wisconsin, Mỹ). Theo Quý, Database là một trong những hướng đi mới có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực khoa học máy tính hiện nay.

Vương Bá Quý sinh năm 1983 tại Hải Phòng, là con út trong gia đình không có ai theo đuổi ngành toán học. Ngay từ năm lớp 3, Quý đã có năng khiếu và được hướng vào học chuyên ngành toán. Năm 2001, Quý theo học tại Trung tâm Đào tạo kỹ sư tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội và năm 2003, sang Xinhgapo theo học ngành chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ Nanyang.

Trong những năm học tại Nanyang, Quý luôn nằm trong danh sách những sinh viên xuất sắc nhất, được lựa chọn vào chương trình cử nhân tăng tốc của trường. Ngoài ra, Quý còn có 6 công trình khoa học đã và sẽ được công bố tại các hội thảo và tạp chí uy tín về khoa học máy tính như: Tạp chí Pattern Recognition Letters, Hội thảo quốc tế về công nghệ thông tin tại Bồ Đào Nha, Hội thảo về Thư viện số ở Hungary... Chàng sinh viên xuất sắc này chỉ mất 3,5 năm thay vì 4 năm như thông thường để kết thúc chương trình đại học tại Nanyang.

Năm 2006, Vương Bá Quý giành giải nhất của cuộc thi Trí tuệ Việt Nam với sản phẩm “Hệ thống soạn thảo, nhận dạng và tính toán biểu thức toán học”. Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá giải thưởng này không chỉ xứng đáng cho sản phẩm phần mềm xuất sắc nhất mà còn dành cho người đã dũng cảm đi vào nghiên cứu một trong các lĩnh vực khó nhất hiện nay về sáng tạo phần mềm là lĩnh vực nhận dạng.

Quý cho biết, sản phẩm khoa học đoạt giải này chính là đề án tốt nghiệp của Quý ở Đại học Nanyang, xuất phát từ nhu cầu cần một công cụ tính toán cho việc học tập và được hiện thực hóa bằng những lợi thế khi học tại một trong những trường đại học uy tín của khu vực.

Mặc dù đã được ghi nhận qua cuộc thi Trí tuệ Việt Nam nhưng Quý vẫn chưa nghĩ tới việc thương mại hóa sản phẩm này, hiện mới chỉ sử dụng tại trường Nanyang và dự kiến sẽ được tiếp tục phát triển, nâng cấp để ra mắt phiên bản chạy trên thiết bị cầm tay PDA.

Ấp ủ dự định về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành tốt luận án tiến sĩ vào năm 2012, Quý cho rằng “đây cũng là mong muốn của nhiều du học sinh khác, nhất là khi đất nước đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho giới trẻ như hiện nay”.

(TTXVN)