Ông tiến sĩ và ước mơ làm giàu cho nông dân

Ông nói: “Tôi thấy mình thật sự hạnh phúc, giây phút thiêng liêng và giản dị đến xao lòng mà những năm tháng sống ở nước ngoài tôi không bao giờ có được. Nó ngấm vào người tôi, cho tôi nhận biết mình chính là người con của đất Việt”.

Khao khát trở về giúp quê hương

Ông cho biết sống ở nước ngoài nhiều năm cũng không làm ông từ bỏ khao khát được có ngày trở về giúp ích cho quê hương. Tuy cái ngày ấy ông đã phải chờ đợi hàng chục năm nhưng giờ đây, ông đã thật sự được góp một phần sức lực, tuy còn nhỏ bé để mang lại niềm tin cho đồng bào. Sinh ra tại Huế, thừa hưởng lòng yêu nước từ cha là nhà thơ Nguyễn Đình Thư có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân với những vần thơ mới sôi sục ý chí yêu nước, chàng trai Nguyễn Quốc Vọng đã sang Nhật du học với mong muốn sẽ mang kiến thức về giúp ích cho đồng bào còn nhiều vất vả. Năm 1977, ông nhận bằng tiến sĩ sinh học nhưng con đường trở về vào lúc đó không đơn giản. Ông xin làm việc tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản và làm trợ lý cho giáo sư Muraka, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu trồng trọt Nhật Bản, người nổi tiếng về nghiên cứu giống lúa.

Sau một thời gian làm việc tại Nhật, ông nhận ra một điều: Ông chỉ là người làm công, một loại “tầm gửi” chứ không thể có được một chỗ đứng hay trở thành giáo sư đại học, điều ông hằng mơ ước. Người thân khuyên ông nên đi Mỹ nhưng ông cho rằng muốn đóng góp nhiều cho đất nước thì phải chọn một nước nào có hệ thống xuất khẩu rau quả nhiều và chất lượng cao, nên ông đã làm đơn xin nhập cư vào Úc.

Thành công trên đất Úc

Tại xứ sở của kangaroo, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng được công nhận là cán bộ nghiên cứu đầu ngành về phát triển và nghiên cứu các loại rau quả Á Đông. Những mặt hàng rau quả do ông tạo ra từ năm 1986 đến 1995 đã xuất khẩu được 57 triệu USD. Đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp bang New South Wales - nơi ông sống - đã trình bày đề tài này tại Quốc hội Úc và sau đó đã lan rộng ra khắp các bang khác của Úc. Thành công lớn nhất của ông là lai tạo được 5 loại cà chua khác nhau. Tiến sĩ Vọng còn viết trên các tạp chí chuyên môn có uy tín về các kinh nghiệm lai tạo, được các đồng nghiệp đặc biệt khen ngợi. Có cả danh vọng, tiền tài, gia đình hạnh phúc, tiến sĩ Vọng vẫn ấp ủ được mang những kiến thức thu thập được về VN để lai tạo giống cây trồng, từ đó cải thiện đời sống của nông dân Việt.  

Đến năm 2007, ý nguyện của ông trở thành hiện thực. Ông được Viện trưởng Viện Nông nghiệp VN mời về nghiên cứu lai tạo các loại rau sạch để cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. “Nông dân mình thường ỷ lại vào nhà nước nên hạn chế sáng tạo. Gạo của ta so với Thái Lan, Úc chất lượng chưa cao. Không phải cứ sản xuất được 5 tấn/ha đã là thành công mà hoàn toàn phải dựa vào chất lượng gạo, đấy mới là cái khó” - ông Vọng trăn trở.  

Nghề nông không phải là nghề nghèo


Dự án trồng rau sạch của ông ở Châu Quỳ (Hà Nội) cũng chỉ nhằm mục đích tạo được mô hình mới cho nông dân, khiến họ thay đổi tư duy và có những kiến thức về trồng rau sạch, ngon, an toàn. “Nông dân Úc chỉ chiếm 2% dân số nhưng mỗi năm mang về 25 tỉ USD trong đó có 80% là xuất khẩu. Đa phần nông dân đều tốt nghiệp đại học và cao đẳng, nhiều người có bằng tiến sĩ nên họ coi nghề nông là một nghề giàu có, cuộc sống khấm khá. Nông dân mình còn ít học, nếu có học lên cao thì họ lại chuyển sang nghề khác. Do đó, phải xây dựng mô hình cụ thể để cho nông dân thấy tương lai của họ rất tươi sáng, nghề nông không phải là nghề nghèo” - tiến sĩ Vọng nhận xét.

Chỉ gần 1 năm ở VN, ông đã tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp và với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Hỗ trợ Úc - Ausaid - đã đào tạo được 15 sinh viên biết làm việc theo phương pháp mới. Ông cảm thấy thực sự tự hào vì đã đóng góp được một phần nhỏ vào việc giúp đỡ người Việt, chứ không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” như những lần về nước trước đây. Kỳ vọng của ông là muốn VN trở thành một nước xuất khẩu nông sản tầm cỡ thế giới: “Muốn trở thành giàu có, VN phải xuất khẩu được nông sản”.  

Sau 39 năm, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng mới được ăn Tết với gia đình ở TPHCM. Ông lại được cùng vợ dạo trên con đường hoa Nguyễn Huệ, được chúc thọ má và được ăn bữa cơm tất niên ấm áp bên người thân. “tôi thích cảm giác bình an trên đất nước mình. Có lẽ không ở nơi đâu, con người lại được sống trong một thế giới thanh bình và an toàn như ở VN” - ông sung sướng bộc bạch. Người con xa quê lâu năm nay đã tìm thấy bến đỗ cho phần đời còn lại của mình. 

Bài và ảnh: Bích Diệp (NLĐ)