Người nuôi “ước mơ Việt” ở Đức


 Chị Trịnh Thị Mùi
Chị là Trịnh Thị Mùi, người sở hữu Trung tâm Thương mại "made in Việt Nam" tọa lạc trên 51.000m2 giữa thủ đô Berlin nước Đức, cũng là người đã xây trường học dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt giữa lòng châu Âu.

"Thủ lĩnh" Việt kiều

Không khác xa lắm với năm 2006 khi về nước dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X, chị Mùi vẫn tất bật và tranh thủ thời gian đến từng phút làm từ việc lớn như tổ chức hội thảo dành cho doanh nghiệp VN muốn ra nước ngoài cùng Cục Xúc tiến Thương mại, đến việc nhỏ như tiếp và giải thích cặn kẽ từng thắc mắc cho các doanh nghiệp đến xin gặp để được tư vấn. Chị phân bua: "Thời gian không nhiều, phải cố gắng làm được càng nhiều càng tốt, doanh nghiệp đâu có nhiều tiền và điều kiện để ra nước ngoài nắm bắt cơ hội kinh doanh đâu".

Tranh thủ giữa những cuộc làm việc, chị nhiệt tình quay trở lại với câu chuyện của mình mà ưu tiên bao giờ cũng là chuyện của cộng đồng người Việt ở Đức.

Những thăng trầm từ một cô giáo dạy toán miền sơn cước Phú Thọ đến một bà chủ Trung tâm Thương mại của người Việt được chị kể giản dị. Sang Đức 3 năm thì thống nhất nước Đức, người Việt khi đó hầu hết đều nhận tiền hỗ trợ và về nước. Phần vì hoàn cảnh riêng, phần muốn lập nghiệp ngay trên mảnh đất lắm thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn nên chị quyết định ở lại.

Hơn 30 tuổi một thân một mình trên đất lạ, chị bắt đầu bằng việc đi buôn. Hơn 2 năm bươn chải buôn bán nhỏ lẻ với ít nhiều kinh nghiệm về mặt hàng may mặc, chị liều tìm mối mua hàng từ Trung Quốc, VN sang Đức bán. Công việc dần thuận buồm xuôi gió, chị lấy chồng cũng là Việt kiều đã sống nhiều năm ở Đức và mở công ty xuất khẩu. Vốn liếng đã kha khá, song chị vẫn day dứt không yên khi nhìn cảnh người buôn bán nhỏ VN cứ lê la bán hàng nơi vỉa hè, góc chợ với rất nhiều thiệt thòi và nguy hiểm.

Năm 1993, chị liều một lần nữa khi bỏ tiền thuê đất làm một khu chợ nhỏ cho người buôn bán nhỏ VN đến kinh doanh. Nhờ sự "liều" của chị Mùi, nhiều người Việt buôn bán nhỏ lẻ đã dần lớn mạnh, họ lập công ty, về nước tìm mối hàng sang bán buôn, bán lẻ tại chợ. Khu buôn bán do chị Mùi dựng lên đã có nhiều công ty đến từ Trung Quốc, Bỉ, Ấn Độ thuê chỗ kinh doanh.

Hơn 20 năm lăn lộn kinh doanh, chị Mùi vẫn một niềm đau đáu hai tiếng quê hương. Bỏ dần mối hàng Trung Quốc, chị về VN nhiều lần để tìm kiếm đầu ra cho hàng VN từ hàng may mặc, mây tre đan đến sản phẩm nông nghiệp trong nước được mang đi giao thương giữa lòng nước Đức. Cơ hội buôn bán "phình" dần, chị Mùi đi tiếp một bước đột phá.

Năm 2004, chị cùng một số bạn bè lập Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương tại Berlin. Qua những khó khăn ban đầu, Trung tâm của chị dần đi vào ổn định và phát triển. Chị Kim Sơn, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Phú Thịnh (TP.HCM), kể lại: "Mấy năm trước, tôi đang tìm đường xuất hàng sang châu Âu mà rất khó khăn. May được bạn bè ở Đức giới thiệu, tôi đã được chị Mùi giúp đỡ tận tình từng đường đi nước bước. Giờ thì hàng của tôi và hàng chục công ty khác được chị giúp đã tiêu thụ ổn định ở Trung tâm của chị Mùi và ở Berlin". Kể về trung tâm, chị Sơn không khỏi thán phục: "Hơn 50.000m2 của Trung tâm giờ đã bề thế và qui mô lắm. Gần 80% người buôn bán ở đó là người Việt nên chị Mùi đã xây dựng cả trường học, chùa và nhà văn hóa cho cộng đồng người Việt đến sinh hoạt định kỳ”.

Bừng cháy "ước mơ Việt"

Hơn 120 học trò tiếng Việt đang theo học tại các lớp dạy tiếng Việt do chị Mùi đứng ra lo liệu. Có lớp, có trường, có trò, chị Mùi lại "lăn" đi tìm cô giáo. Chị xuống cộng đồng người Việt, tìm những Việt kiều trước là giáo viên rồi vận động họ dạy tình nguyện giống như chị đã tình nguyện mở lớp, mở trường.

Nói về tiếng Việt, chị Mùi xúc động: "Xa quê hơn 20 năm, tôi chưa khi nào thôi nói tiếng Việt. Ở nhà tôi vẫn nói tiếng Việt, nấu các món ăn Việt và đi chùa lễ rằm, mồng một như mình đang ở quê hương vậy. Từ lâu tôi đã rất xót xa khi nghe những đứa trẻ thuần Việt hồn nhiên nói: đi rửa tóc (gội đầu) hay mặc giày (đi giày). Con gái Việt Trinh của tôi cũng vậy, học tiếng Đức nên cháu chỉ nói mà không viết hay đọc được tiếng Việt". Nay các lớp học tiếng Việt luôn đầy ắp học trò, không chỉ trẻ em mà cả sinh viên Việt sinh ra ở Đức.

Thỏa mãn mong muốn được đi lễ tại một ngôi chùa thuần Việt của bà con Việt kiều tại Đức, chị Mùi lại quyết tâm xây một ngôi chùa. Chùa Phổ Đà, ngôi chùa đầu tiên của người Việt, được xây dựng rất nhanh (hơn một tháng) với các tượng Phật và vật dụng hoàn toàn mang từ trong nước sang. Ủng hộ cộng đồng người Việt ở Đức, Giáo hội Phật giáo VN đã cử một vị sư được đào tạo tại Trường Cao đẳng Phật giáo TP.HCM sang trụ trì chùa Phổ Đà.

Lần về VN này, chị Mùi phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức tọa đàm nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sang mở văn phòng đại diện, kinh doanh tại Đức. Việc mở văn phòng sẽ được chị Mùi hỗ trợ về kinh phí và giao dịch trong ba năm đầu. Chị chia sẻ: "Tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm làm ăn, lại có điều kiện về cơ sở vật chất và quan hệ với nước sở tại nên tôi nghĩ mình có điều kiện vậy mà không làm thì đẩy cho ai. Mỗi doanh nghiệp dù nhỏ đến đâu mà kiếm được cơ hội làm ăn, cơ hội bán hàng cũng đều tạo được việc làm cho công nhân; nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ giúp được nhiều người có công ăn việc làm, nghĩ vậy nên tôi phải cố hết sức".

Chị Mùi cũng đã mở vài công ty may mặc, kinh doanh ở VN với mong muốn tạo việc làm cho nhiều người lao động trong nước. Chị tiết lộ thêm: "Tôi muốn thổi bùng lên, truyền khát khao về những ước mơ Việt tới mọi người Việt mà trước tiên là cậu con trai 26 tuổi hiện đã về VN sống và làm việc".

Hoàng Mai (Tuổi Trẻ)