Bài toán ổn định cho người Việt kinh doanh ở chợ Vòm

Cú sét đánh


 Chợ Vòm sau vụ đánh bom

Tin giải toả chợ Vòm với nhiều người Việt Nam (VN) đang làm ăn hoặc sinh sống chủ yếu dựa vào khu chợ này không khác gì sét đánh, dù đã nghe đồn từ năm 2002, bởi hoạt động kinh doanh của hầu hết người VN ở Nga ít nhiều đều diễn ra trong hoặc quanh chợ Vòm - đầu mối hoạt động kinh doanh của hầu hết các chợ lớn nhỏ tại Mátxcơva.

Trước đó, từ đầu tháng 5, một loạt trung tâm thương mại liên tiếp bị đóng cửa, đã khiến người VN mất dần chỗ làm ăn buôn bán.

Nay các báo, đài Nga lại đưa tin việc giải toả chợ Cherkizovski sẽ được thực thi trước năm mới 2007, để thay thế bằng một quần thể các khu thể thao, chung cư cao cấp, siêu thị, khu vui chơi giải trí, khiến viễn cảnh vỡ nợ, phá sản trở nên rõ nét hơn bao giờ hết với nhiều người VN ở đây.

  Khoảng 20.000 người VN buôn bán trực tiếp và gián tiếp ở chợ Vòm, 4/5 hệ thống dịch vụ của người VN cũng tập trung tại đây và có tới 80% hàng hoá từ chợ Vòm được toả ra cung cấp cho các thành phố khác.
Bức xúc nhất là họ đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của và công sức vào hàng hoá, thuê mua "công" (container), pavillion (sạp) bán hàng.

Một khi phải ra đi cũng có nghĩa là phải chấp nhận hai lần mất mát, cả số tiền đã bỏ ra mua quầy bán hàng vốn có giá từ hàng chục đến hàng trăm ngàn USD và đến chợ mới lại phải chi tiếp khoản tiền chưa biết bao nhiêu để có được chỗ bán hàng. Rồi còn thu xếp nơi ăn chốn ở, đi lại, con cái học hành... ra sao để sớm an cư lạc nghiệp?

Chốn thân quen

Đứng từ trên cầu cao nhìn về hướng chợ Vòm, ta thấy một kiến trúc có vẻ lộn xộn của toà nhà cao lừng lững giống hình vây lưng một con cá mập khổng lồ.

Trong lòng nó là một quần thể chợ "đa quốc gia", quy tụ cả người Nga, Ukraina, Trung Quốc, Israel, Arab, Gruzia, Việt Nam... cùng làm ăn buôn bán.

Đó là còn chưa kể một lượng khá lớn người đến từ các nước Liên Xô cũ, làm việc dưới nhiều hình thức. Với diện tích khá rộng tới gần 300ha, lại nằm ở vị trí giao thông vô cùng thuận lợi cho khách hàng đến mua bán, nên đây cũng là khu chợ đạt mức doanh thu hơn 1,5 triệu USD/ngày (đó là con số tạm thống kê, chứ thực tế còn nhiều hơn).

Về vị trí địa lý, theo các "thầy phong thuỷ", chợ Vòm là mảnh đất "Quần ngư tranh thực" (Bầy cá tranh ăn), bao năm qua không chỉ làm giàu cho nhiều người đủ các màu da và quốc tịch, mà còn (theo lời đồn) cho cả vài nghị sĩ trong Duma Quốc gia Nga có đóng góp cổ phần, cùng một số nhà chức trách và cả... mafia.

Riêng với các tiểu thương - dù là người VN hay nước khác - thì chợ Vòm thực sự là nơi đã giúp họ đổi đời, dù nói đến chợ Vòm nhiều khi cũng đồng nghĩa với một số "ngòi nổ" gây tội ác, khi thương trường luôn là chiến trường và cũng là mảnh đất tranh giành ảnh hưởng của các băng đảng xã hội đen.

Hai ví dụ gần đây nhất là chợ Vòm bị đánh bom hôm 21/8 làm 12 người chết và hơn 50 người bị thương; và vụ hoả hoạn xảy ra chiều 24/9 tại chợ Traika (thuộc chợ Vòm) làm 2 người bị thương.

Bàn tay tiếp sức?

Theo ước tính sơ bộ, có khoảng 20.000 người VN buôn bán trực tiếp và gián tiếp ở chợ Vòm, 4/5 hệ thống dịch vụ của người VN cũng tập trung tại đây và có tới 80% hàng hoá từ chợ Vòm được toả ra cung cấp cho các thành phố khác.

Vậy mà từ khi có tin sẽ bị giải toả, giá chỗ bán hàng trong chợ Vòm gần như "đóng băng", hầu như không còn các giao dịch bán mua, chuyển nhượng.

Số người VN tham gia bán hàng và làm ăn ở khu vực chợ Vòm hiện tập trung chủ yếu ở các chợ KT, 2000, ACT cũ, ACT mới, CDL, Traika, Baida, Bêtông, Lưu niệm...

Và dù câu hỏi "giải toả hay chưa giải toả" thực ra vẫn chưa có câu trả lời chính thức, nhưng cộng đồng người VN tại đây rất mong muốn có sự can thiệp giúp đỡ của Đại sứ quán, Hội Doanh nghiệp, Hội Người VN ở Nga... tham khảo nghiêm túc ý kiến của phía Nga để sớm có lời giải đáp cụ thể, rõ ràng giúp mọi người yên tâm, tin tưởng làm ăn và ổn định cuộc sống lâu dài.

Ba câu hỏi gây bức xúc nhất trong cộng đồng người VN ở Nga hiện này là:

1. Nếu tiếp tục duy trì sinh hoạt, làm ăn ở chợ Vòm thì thời gian cụ thể còn kéo dài bao lâu và sẽ theo hình thức nào?

 2. Nếu phải di chuyển theo yêu cầu chung của chính quyền Nga thì sẽ đi như thế nào, việc đền bù ra sao?

3. Nơi mới sẽ tiếp nhận họ như thế nào?

Võ Hoài Nam/ Lao động