Sống để dạ chết mang theo

1-       Suốt đời ghi nhớ, khắc sâu vào lòng những tình cảm, những tâm tư nào đó.

2-       Suốt đời giấu kín, gìn giữ những điều bí mật.

Ở ý nghĩa thứ nhất (1), sống để dạ chết mang theo, và các biến thể của nó, trước hết biểu thị sự ghi nhớ ơn nghĩa suốt đời. Lòng căm thù, sự oán hận nhiều khi cũng cần khắc sâu tận đáy lòng, cũng phải sống để bụng chết chôn đi.

Ở ý nghĩa thứ hai (2), sống để dạ chết mang theo và các dạng thức của nó chỉ rõ sự cần thiết của việc giữ gìn bí mật. Gìn giữ những điều cần giấu kín là đòi hỏi nghiêm ngặt “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Một điều đáng lưu ý là, nghĩa của toàn thành ngữ dường như dồn gánh nặng về phần đầu của nó “sống để dạ (bụng). Ở vế này, yếu tố dạ (bụng) có chức năng gợi tả ý nghĩa rất lớn. Bụng (dạ) là nơi thầm kín sâu lắng, ở nơi đó có thể ghi tạc những ơn nghĩa, khắc sâu lòng căm thù, vùi chặt những điều bí mật... Nó là từ “chìa khoá” cho cả vế sống để bụng trong việc biểu thị ý nghĩa, vế thứ hai chỉ có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ thêm ý nghĩa ở vế thứ nhất. Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ là ở vế thứ hai có nhiều biến thể khác nhau mà không làm phương hại đến ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Trong thành ngữ này, nhờ sự đối ứng với nhau mà cặp từ “sống... chết” có giá trị biểu hiện ý nghĩa thời gian. Trong quan niệm của nhân dân ta, con người khi chết là đi vào thế giới vĩnh hằng. Sự sống, cái chết được đắp nổi ở hai thế giới kế tiếp nhau. Do vậy, sống để dạ chết mang đi là mãi mãi ghi nhớ, khắc sâu gìn giữ những điều sâu đậm hay bí mật có liên quan tới bản thân mình.