23/10/2013 04:33:09 PM
Cà phê Hà Nội chiều thu

Hà Nội như dịu dàng hơn trong cơn gió chiều thu, bên một ly cà phê nóng hổi. Bởi thế mà chỉ 3 từ cà phê - Hà Nội - mùa thu mà khiến bao người xao xuyến.


Không phải là thủ phủ cà phê nhưng Hà Nội luôn có vị trí riêng trong lòng những yêu giọt đắng. Người ta tìm đến cà phê Hà Nội như một cách để cảm nhận vẻ đẹp trầm lắng của một thành phố nghìn năm. Bởi thế chẳng mấy ai gọi cà phê để thỏa cơn khát mà thường thưởng thức chậm rãi, nhâm nhi.

 Cà phê Giảng ngày trước nằm ở số 7 Hàng Gai (Ảnh: yesvietnam) 

Không khó để tìm được một quán cà phê trên các con phố dọc ngang Hà Nội. Nhưng chọn quán nào, hợp với ai lại là điều không phải dễ. Bởi thế những người sành cà phê có khi vẫn phải cất công cả chục cây số để tìm đến đúng quán yêu thích của mình.

Người thích hoài cổ thường chọn các quán cà phê truyền thống trong lòng phố cổ. Nhân - Nhĩ - Dĩ – Năng ý chỉ bốn quán cà phê nổi tiếng đất Hà Thành từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước. Dù là những hàng quán chật hẹp, nằm sâu trong ngõ hay chênh vênh trên gác nhưng với hương vị độc đáo riêng, những cái tên này chưa bao giờ là xưa cũ. Khách đến đây không cầu kỳ bàn ghế, cốc chén mà chủ yếu để tìm lại không gian xưa và ký ức về một thời.

Dù không nằm trong “tứ trụ cà phê” đất Hà Thành nhưng cà phê Đinh và cà phê Giảng vẫn được nhiều người biết đến như những thương hiệu cà phê lâu đời nhất ở đây. Nằm trong căn gác hai, cà phê Đinh nép mình trên con phố Đinh Tiên Hoàng sầm uất, hướng ánh nhìn ra mặt hồ Gươm xanh bóng.

Không ít người đến lại về vì bàn ngồi ngoài ban công kín chỗ, nhưng chẳng ai thấy bực mình vì sẽ quay lại lần sau để có được góc nhìn đẹp nhất. Thế mới biết, cà phê không đơn thuần chỉ là để uống mà còn như chất xúc tác để ngắm nhìn Hà Nội đẹp hơn.

Những người không uống được cà phê đắng lại chọn cho mình quán Giảng để nhâm nhi. Hương thơm nóng hổi cùng vị trứng ngọt ngào trong tách cà phê giữa chiều thu Hà Nội khiến không ít người say đắm. Để rồi mỗi khi cơn gió lạnh ùa về lại phải tìm cho được hương thơm quyến rũ ấy.

Uống cà phê còn là dịp gặp gỡ bạn bè và chia sẻ những sở thích chung. Vì thế người yêu nhạc Trịnh tìm đến những quán cà phê để cảm nhận thêm những tâm hồn đồng điệu. Cứ như thế các quán cà phê nhạc Trịnh lần lượt ra đời, mang đến nét chấm phá rất riêng cho văn hóa thưởng thức giọt đắng tại Hà Thành.

Những cái tên như Cuối Ngõ, Trịnh Ca, hiên trà Trường Xuân dường như đã trở nên thân thuộc với những người đam mê nhạc Trịnh. Trong không gian lắng đọng, mộc mạc, đậm chất Trịnh ca, người ta tìm thấy một Hà Nội rất riêng trong từng câu hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” hay “Đoản khúc thu Hà Nội”.

Và khi nói đến cà phê Hà Nội không thể không nhắc đến những quán cà phê “ghế đá vỉa hè”. Khắp các tuyến phố thủ đô, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những quán cà phê như vậy. Dăm ba chiếc ghế ngồi, một vài ly cà phê, người trầm ngâm đọc báo, người trò chuyện bạn bè…

Đó là hình ảnh quen thuộc trên vỉa hè dọc các con phố Thái Phiên, Triệu Việt Vương, Nguyễn Du, Nhà Thờ... Với giá thành bình dân, không gian mát mẻ của cây cối ven đường, nhiều khách đến đây đơn giản chỉ để chọn một góc ngồi hướng mặt ra phố phường đông đúc, gọi tách cà phê ngắm dòng xe qua lại như mắc cửi. Cứ thế một hình ảnh Hà Nội ồn ào náo nhiệt bỗng bình dị, nên thơ qua từng giọt đắng cà phê.

(theo vnexpress.net)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chùa Một Cột - Kiến trúc văn hóa độc đáo lâu đời
Phố cổ Hà Nội trong lòng người nước ngoài
Những mùa hoa đặc trưng theo tháng của Hà Nội
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bông sen giữa lòng Thủ đô
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình
CHIẾU DỜI ĐÔ
Cận cảnh ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới ở Hà Nội
Hồ Gươm lãng mạn mùa lộc vừng thay màu lá
Lụa Vạn Phúc - vẻ đẹp bất tận vượt thời gian
Phố cổ Hà Nội – Nơi lưu giữ linh hồn Thủ đô
Có nét hoài niệm mang tên Đường Lâm giữa đất Hà Thành
Hà Nội đẹp từ những điều giản dị nhất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang